Trong đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến đề xuất bổ sung các chất ma túy mới phát hiện vào cấu thành tội phạm về ma túy.
Để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, Dự Luật lần này đề xuất bổ sung tình tiết tăng nặng đối với tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất nổ; tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Bổ sung các chất ma túy mới phát hiện (chất XLR-11 được tẩm ướp trong cỏ Mỹ và lá KHÁT có chứa chất ma túy Cathione) vào cấu thành tội phạm về ma túy; đồng thời bổ sung quy định về việc xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.
Theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phạm Đình Cúc, một số loại ma túy mới được đưa vào sử dụng ở Việt Nam như chất NSD được biết tới dưới dạng “tem giấy” hay “bùa lưỡi”, gây ảo giác rất nhanh, mạnh và là một trong những dạng ma túy nguy hiểm nhất. Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống ma túy, cần thiết bổ sung chất NSD vào cấu thành của tội phạm về ma túy.
Cũng liên quan đến việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào Bộ luật Hình sự, nhiều ý kiến cho rằng, thực tiễn đấu tranh phòng, chống ma túy ở nước ta vừa qua cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, khó lường. Thủ đoạn rất tinh vi như tẩm các chất ma túy vào tem giấy, bóng bay gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, đề nghị để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong đấu tranh với tội phạm ma túy, cần có quy định mang tính dự báo làm cơ sở cho việc xử lý tội phạm khi phát hiện vật thể hoặc loại cây mới có chứa chất ma túy.
Dự Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính băn khoăn về những căn cứ để liệt kê một số tội mà người từ đủ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự và đề nghị làm rõ nội dung này.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng cho rằng, việc liệt kê các tội phạm quy định tại khoản 2 của Điều 9 về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là chưa đầy đủ. Từ đó dẫn đến những tội phạm khác, tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng không được thống kê vào khoản 2 thì người từ đủ 14 nhưng chưa đủ 16 tuổi không phải phải chịu trách nhiệm hình sự. “Ví dụ khoản 2,3 Điều 145, tội giao cấu và thực hiện hành vi tình dục khác đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có khung hình phạt từ 10 năm đến 15 năm. Tương tự như vậy, đối với nhiều điều khác như Điều 118, 355, là những loại tội có khung hình phạt đến mức đặc biệt nghiêm trọng. khoản 2, Điều 12 mâu thuẫn với khoản 1, Điều 100 về cải tạo không giam giữ. Khoản 1, Điều 100 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ dẫn đến người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng” - Luật sư Chiến phân tích.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đề nghị cân nhắc quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự để đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong bối cảnh tội phạm trong thanh, thiếu niên đang ở mức báo động như hiện nay. “Tội phạm từ 18 - 30 tuổi chiếm gần 80% số lượng tội phạm. Việc ngăn ngừa tội phạm ở chỗ này rất quan trọng, đặc biệt là dưới 18 tuổi" - Bộ trưởng nêu.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016).