Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình việc điều hành xuất khẩu gạo

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, sau khi nghe ý kiến của các đại biểu thảo luận trong phiên họp Quốc hội sáng ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình một số nội dung có liên quan đến việc xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh năng lượng.

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 15/6, sau khi đại biểu thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình một số nội dung có liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam cũng như kết quả phát triển kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2020. Thời gian qua, doanh nghiệp nước ta gặp nhiều khó khăn về nguồn cung ứng lao động, nguồn cung ứng sản xuất đầu vào và vấn đề về thị trường.
 
Ngay từ đầu dịch bệnh Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để thực hiện mục tiêu kép nhằm phòng chống dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp một cách an toàn, có hiệu quả; đồng thời có những biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp ổn định sản xuất và duy trì sự phát triển của đất nước. Vì vậy, trong tháng 4 và tháng 5/2020, chúng ta đã có những bước đầu thành công đối với công tác phòng chống dịch bệnh nên những tăng trưởng kinh tế đã từng bước khôi phục và tương đối hiệu quả. Ví dụ như sản xuất công nghiệp của tháng 5 đã đạt được mức tăng trưởng là 11,2%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 2,8% so với tháng trước; chỉ số quản trị mua hàng tăng 10 điểm... Điều đó cho thấy, chúng ta có cơ sở và điều kiện khôi phục sản xuất trong khi vẫn cần yêu cầu cao về phòng chống dịch bệnh. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã có chỉ đạo để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường và các Bộ ngành đều đã thực hiện nghiêm túc. Cụ thể là Bộ Công thương đã xây dựng kế hoạch hành động, ban hành ngày 03/6/2020 tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.
Thứ nhất là củng cố và tập trung vào chuỗi các nhóm cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn; tránh phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường.
Thứ hai là tập trung vào phát triển xuất khẩu, tận dụng các cơ hội của những hiệp định thương mại tự do đã ký cũng như khai thác các thị trường thuận lợi và tiềm năng. Ngay trong 5 tháng của năm 2020, mặc dù kim ngạch thương mại của Việt Nam bị tác động rất lớn nhưng có thể nói, một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt.
Ví dụ như xuất khẩu vào thị trường ở Mỹ tăng trưởng 8,26%; xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tăng gần 10%. Tuy nhiên, việc xuất khẩu vào thị trường Châu Âu lại bị sụt giảm mạnh mẽ. Vì thế, việc khai thác cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do là nhiệm vụ trọng tâm và là động lực để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này trong những tháng cuối của năm 2020.
Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện các biện pháp thay đổi trong cấu trúc thương mại với các nước như là sử dụng các hình thức trực tuyến, thương mại điện tử. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Thứ ba là tập trung kích cầu trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước vào phát triển thương mại điện tử. Bộ Công thương đã có những đề xuất nhằm kích cầu trong giai đoạn mới khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, đề án phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy kết nối với các nhà sản xuất, phân phối để kết nối với thị trường cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020.
Dự báo năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới
Đề cập đến điều hành xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ: Trong 5 tháng đầu năm Việt Nam đãxuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo (tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước), kim ngạch đạt 1,48 tỉ USD (tăng hơn 25% so với cùng kỳ). Mặc dù có sự gián đoạn nhất định trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 nhưng xét tổng thể, công tác điều hành xuất khẩu gạo đã bảo đảm được những yêu cầu quan trọng nhất, vẫn đảm bảo tiêu dùng trong nước, an ninh lương thực, tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá tốt (tăng hơn 25% so với năm 2019).
 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình trước Quốc hội.
Giải thích việc điều hành xuất khẩu trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Trong 2 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu tăng rất lớn (tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước), đến tháng 3 lượng xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh. Thời điểm này do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo hết sức sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam, giá gạo trong nước và thế giới liên tục tăng.
Cũng thời điểm này, đặc biệt là ngày 22/3, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tâm lý người dân có dấu hiệu không ổn định, nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực. Nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long dù được mùa cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước vì nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu với tốc độ lên tới 25.000 tấn/ngày như 15 ngày đầu tháng 3.
Trước tình hình đó, Thủ tướng đã triệu tập cuộc họp xem xét, cân nhắc các phương án được cơ quan tham mưu trình, kết luận tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước. Sau khi có quyết định này, nhiều địa phương đã có ý kiến, kiến nghị, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan xem xét thấu đáo. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã đồng ý cho xuất khẩu có kiểm soát với hạn ngạch trong tháng 4 là 400.000 tấn.
Đến tháng 4 và tháng 5, dịch bệnh trong nước được khống chế, kiểm soát, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng mua gom, tích trữ nhu yếu phẩm như thời điểm cuối tháng 3. Theo đó, các cơ quan liên quan đánh giá lại về tình hình sản xuất, nhận định nguồn cung đã ổn định, được mùa, nên dự tính lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ hè thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn. Sau khi cân nhắc các điều kiện và nghe báo cáo của Bộ Công thương, ý kiến của các bên liên quan, Thường trực Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về việc từ ngày 1/5 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất. Dự báo năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Hàng loạt cơ chế, chính sách thu hút vào đầu tư và phát triển các nguồn năng lượng mới
Liên quan đến an ninh năng lượng và dự án điện theo như ý kiến của các đại biểu tỉnh Quảng Bình, Bình Thuận nêu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Quy hoạch tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh của chúng ta đã bộc lộ những vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, thay đổi. Đặc biệt là sau khi điều chỉnh một số dự án lớn như điện hạt nhân, dự án điện than, nhiệt điện không được tiếp tục thực hiện nữa và phải thay đổi để đảm bảo cung cấp điện cho giai đoạn sắp tới chúng ta sẽ thiếu điện là từ năm 2024-2025.
Trên tinh thần đó, hàng loạt các cơ chế, chính sách mới để khuyến khích, thu hút việc đầu tư và phát triển các nguồn năng lượng mới như trong đầu tư ở khu vực tư nhân, đầu tư của xã hội và đầu tư nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ví dụ như Quyết định số 11 về giá điện mặt trời, Quyết định số 39 cho giá điện gió... đã tạo động lực, thu hút những nhà đầu tư mới trong phát triển năng lượng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, để thực hiện bổ sung cho những dự án trên thì phải đảm bảo các nguyên tắc, quy định pháp lý, bổ sung quy hoạch cũng như đảm bảo nhu cầu, yêu cầu trong điều hành phát triển điện. Vì vậy, thời gian vừa qua, Bộ Công thương và các Bộ ngành đã thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai những yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, bổ sung trong Luật Quy hoạch.
Đến nay, Bộ Công thương đã bổ sung 10.300 Mkw điện mặt trời và tiến hành vận hành cho 90 dự án điện mặt trời với công suất 5.000 Mkw. Trên thực tế, đây là nguồn năng lượng quý báu để bù cho phần thiếu hụt điện năng trong thời gian vừa qua. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã bổ sung vào quy hoạch 11.630 Mkw điện gió. Việc lựa chọn các nhà đầu tư và tổ chức thực hiện các dự án là sự phân cấp trách nhiệm cho chính quyền ở các địa phương. Các dự án điện cụ thể mà các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ Công thương đã cho rà soát, kiểm tra vẫn đang được thực hiện theo đúng quy định chung của pháp luật.
Ví dụ như thực hiện dự án nào phải làm rõ tiêu chí, yếu tố để phát triển, đáp ứng được các yêu cầu trên cơ sở ý kiến của địa phương, các Bộ ngành. Sau đó, Bộ Công thương sẽ có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để bổ sung vào quy hoạch./.