Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sách giáo khoa (SGK) bao gồm sách in, SGK điện tử và học liệu. Các trường được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy.

Ảnh: Phạm Hùng
Ngày 8/11, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
Chương trình GDPT phải được tổ chức thực nghiệm trước khi ban hành. UBND tỉnh và TP trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, dành thời lượng cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.
SGK sẽ cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình GDPT về nội dung giáo dục, phẩm chất và năng lực của học sinh (HS), cũng như định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
SGK bao gồm sách in, SGK điện tử và học liệu. Mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Đồng thời, ban hành chương trình giáo dục, phê duyệt SGK để sử dụng trong các cơ sở GDPT.
Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, SGK gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng thẩm định và các thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
Dự thảo cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT, SGK.
Về học bổng và trợ cấp xã hội, dự thảo nêu rõ, HS, sinh viên sư phạm (SP) được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. HS SV SP được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, HS SV SP nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng SP. Trong trường hợp HS SV SP không có nhu cầu sử dụng tín dụng SP, nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ được hưởng khoản tín dụng sư phạm mà HS SV SP được hưởng.