Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cam kết tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết trước Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 29/4, phát biểu tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cam kết trước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên bằng cách triển khai tích cực các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh những lợi thế so sánh truyền thống đang mai một dần, dư địa để phát triển không còn nhiều, chúng ta cần phải tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo, nền tảng tri thức và công nghệ, trong đó khu vực doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Chúng ta cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của khu vực doanh nghiệp - phải coi đó chính là nền tảng, là động lực tạo sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Trước hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ các giải pháp để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch và méo mó thị trường. Từng bước thực hiện tự do hóa các thị trường yếu tố sản xuất. Phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường.

Tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế dù là DNNN, doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước đều được tiếp cận công bằng, minh bạch tới các nguồn lực về đất đai, tài nguyên và vốn của quốc gia; đảm bảo nguồn lực được phân bổ tới người sử dụng hiệu quả nhất. Đặt DNNN cạnh tranh bình đẳng cùng doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác.

Hai là, trong giai đoạn 2016-2020 tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong triển khai thực thi những tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ đã được thể hiện trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần của Hiến pháp 2013 về việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.

Chủ động rà soát, kiến nghị Chính phủ bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp; đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Kiến nghị Chính phủ các giải pháp cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; tiết giảm thủ tục đăng ký đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 59/NQ-CP của Chính phủ.

Ba là, để có được đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đủ mạnh, vai trò của Chính phủ còn cần phải thể hiện bằng những hành động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ căn bản về môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin, thị trường, mặt bằng sản xuất, tín dụng... dự thảo Luật còn đưa ra các chương trình hỗ trợ DNNVV theo mục tiêu như: hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành; hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội.  

Bốn là, để những hỗ trợ này đi đúng và trúng tới những doanh nghiệp cần và xứng đáng được hỗ trợ thì không thể thiếu được vai trò của cơ quan đầu mối điều phối các hoạt động hỗ trợ của Chính phủ cũng như sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng tài trợ quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp.

Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, thay đổi quan điểm từ hỗ trợ chung chung, đại trà tất cả các doanh nghiệp sang hỗ trợ có lựa chọn theo ngành, lĩnh vực và mục tiêu dài hạn nhất định. Ưu tiên tập trung vào khu vực các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh quốc gia, có ứng dụng đổi mới sáng tạo, định hướng xuất khẩu, doanh nghiệp liên kết trong các chuỗi giá trị, cụm liên kết tạo giá trị gia tăng cao. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo chất lượng, hiệu quả và bền vững.