Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT), hiện nay trên YouTube đang có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật và có chiều hướng gia tăng. Không những thế, tính đến cuối tháng 6/2019, Cục PTTH&TTĐT đã phát hiện có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip dạng trên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam - Ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài, thì đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam
Tuy trong 2 năm vừa qua, Google đã hợp tác tích cực với Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Bộ nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên mạng video này còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.
Cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm, dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Hiện không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, YouTube vẫn cho phép bật tính năng gợi ý cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên YouTube (0.1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google. Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động. Điều này “vô hình trung” đã gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.
Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp. Việc tái diễn tình trạng này cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro cho các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube, phía Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT nhận định.
Cần chú ý, việc cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, "Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”.
Ngoài ra, các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam đã không chủ động kiểm soát việc đăng phát quảng cáo của các đối tác (nhãn hàng, thương hiệu) trên nền tảng YouTube. Điều này khiến tình trạng quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc tái diễn trở lại.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam - Ảnh 2
Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn vô tư quảng cáo trên các clip có nội dung xấu

Nói về thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng,loài người đang chứng kiến một sự chuyển đổi vĩ đại, từ thế giới thưc vào thế giới ảo, thế giới số hay không gian mạng. Cuộc sống đi vào thì nhanh hơn, pháp luật đi vào chậm hơn, văn minh trên không gian mạng cũng mới là bước đầu. Chính sự lệch pha này làm nảy sinh nhiều vấn đề, nguy cơ.

Theo Bộ trưởng, chúng ta đang cùng sống, cùng thở trên không gian mạng. Bởi vậy, việc giữ cho không gian lành mạnh, không ô nhiễm là nhiệm vụ của mỗi chúng ta và cũng là vì chính chúng ta. Một doanh nghiệp muốn thịnh vượng lâu dài thì phải song hành với sự thịnh vượng của xã hội và đất nước sở tại. Không thể có doanh nghiệp thịnh vượng còn đất nước thì lụi bại đi. Các doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài, thì đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật của nước sở tại, phải làm cho đất nước đó thinh vượng, hoà bình.

Các doanh nghiệp nước ngoài kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của doanh nghiệp phải càng lớn hơn. Không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu. Các doanh nghiệp phải thấy có tội khi trả tiền cho một video xấu độc, gây hại cho người Việt Nam, cho con cháu người Việt Nam, phải ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu độc, Bộ trưởng chỉ rõ.

Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào làm ăn tại nước sở tại mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan phải cùng nhau hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên không gian mạng (sử dụng mạng xã hội có danh tính, mạng xã hội phải đóng thuế, tuân thủ pháp luật Việt Nam). Muốn lành mạnh thì phải kết hợp giữa pháp luật và giáo dục. Không thể thiếu một trong hai yếu tố trên. Pháp luật phải nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào không gian mạng.