Sáng nay (5/10), Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh (HS), sinh viên (SV) năm 2019 SV - STARRTUP 2019 tại Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội. Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hà Nội Ngô Văn Quý. Ngoài ra, buổi lễ có sự tham gia của hàng nghìn HS, SV trên địa bàn Thủ đô.
Chất lượng của ý tưởng, dự án khởi nghiệp tốt
|
Lễ khai mạc có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, sinh viên... |
Qua 2 năm thực hiện Đề án 1665 “Hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đến năm 2025”, các nhà trường đã có sự chuyển biễn rõ nét về nhận thức và có sự lan toả sâu rộng. Ngành giáo dục đã xây dựng tiêu chí các nhà trường, đơn vị khởi nghiệp, đặc biệt là xây dựng tài liệu, kỹ năng về khởi nghiệp.
Qua thực tiễn hoạt động, nhiều trường đã kết nối được với nhiều DN và đã xây dựng được không gian khởi nghiệp, khuyến khích hỗ trợ, thầy cô và HS, SV cùng tham gia vào quá trình khởi nghiệp.
Số lượng dự án để huy động khởi nghiệp ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao. Nếu năm trước chúng ta có khoảng gần 200 dự án khởi nghiệp thì năm nay đã có hơn 300 dự án. Là tín hiệu tốt khi chất lượng của các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tốt hơn và được các DN đánh giá cao.
Bên cạnh đó, chúng ta đã kết nối được với Đề án hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia và đóng góp đáng kể vào chương trình Quốc gia khởi nghiệp.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi khai mạc. |
Theo Bộ trưởng Nhạ, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng xây dựng tài liệu kỹ năng để nhân rộng kinh nghiệm trong khởi nghiệp của SV. Cách tiếp cận không nhấn mạnh vào lý thuyết mà từ thực tiễn khởi nghiệp của các DN trẻ đã thành công.
“Bộ cũng sẽ chỉ đạo để xây dựng và nhân rộng nhiều tài liệu số để tham gia đóng góp vào Đề án Hệ tri thức Việt số hoá, để nhiều người được chia sẻ, đóng góp và tham khảo từ chương trình này. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ kết hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai Đề án Trung tâm khởi nghiệp Quốc gia” - GS.TS Phùng Xuân Nhạ nói.
Hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trườngBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong bối cảnh, xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong các trường ĐH và phổ thông, Bộ sẽ phối hợp với Bộ TT&TT để có định hướng ưu tiên khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Bộ còn phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho các trường về cơ chế sử dụng ngân sách tạo quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
“Chúng tôi đánh giá cao các DN, doanh nhân với tinh thần tạo dựng môi trường và ươm tạo DN. Đáng chú ý thời gian qua, nhiều DN đã làm việc với các nhà trường, cùng với các trường đề xuất mô hình khởi nghiệp”- Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Tới đây, các DN không chỉ tham gia giúp các trường thông qua hoạt động tài trợ mà còn hợp tác sâu hơn trong việc thiết kế các chương trình giảng dạy, tham gia tổ chức giảng dạy. Vì vậy, Bộ GD&ĐT có cơ chế khuyến khích các DN và nhà trường xây dựng các mô hình đào tạo học trong nhà trường, học ngoài nhà trường. Các DN chuyển dần từ tài trợ sang hợp tác và phát triển cùng với các trường.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý một số trường chưa chuyển biến nhanh, cho đây là phong trào. Có một số trường dừng lại ở phong trào, chưa tạo được không gian để thầy cô và học trò làm việc với DN ở góc độ sáng tạo.
Tới đây, các trường cần coi khởi nghiệp là một trong những giải pháp để phát triển nhà trường. Đây là con đường thuận lợi để các nhà trường gắn với DN tốt và cũng là giải pháp rất hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo.
Với giáo viên, đây không chỉ hoạt động có tính chất phong trào mà trở thành hoạt động gắn với nghiên cứu của mình để kết nối với DN, doanh nhân.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đi thăm các gian hành. |
Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh (HS), sinh viên (SV) năm 2019 tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy tin thần sáng tạo, khởi nghiệp của HS, SV trên toàn quốc. Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực, hiệu quả đối với HS, SV và tạo cơ hội để cơ sở đào tạo giao lưu, học tập kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ SV khởi nghiệp, giúp các dự án khởi nghiệp của HS, SV kết nối với các DN, nhà đầu tư.
Cuộc thi tổ chức với quy mô toàn quốc có hơn 200 trường ĐH, CĐ, trung cấp, THPT tham gia, tiếp cận được trên 200.000 HS, SV. Sau khi phát động từ tháng 6 đến tháng 9/2019, ban tổ chức nhận gần 300 bài thi chất lượng, đa dạng. Trong đó có 68 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng Đối đầu chung kết cuộc thi.
Trong sáng nay (5/10), 15 đội vào vòng Phản biện đã trình bày các gian hàng đa dạng ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội… Chiều cùng ngày, 15 đội này tiếp tục thuyết trình trực tiếp dự án của mình tại cuộc thi.