Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Tài chính nói gì về nợ thuế và nợ công?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây cũng là hai vấn đề trọng tâm được các đại biểu quốc hội dành cho người đứng đầu ngành Tài Chính - Đinh Tiến Dũng.

Sáng nay (17/11), ngày thứ 2 phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người đầu tiên đăng đàn. Trong hơn 30 phút trả lời của mình, Bộ trưởng Dũng đã giải đáp các thắc mắc của đại biểu về vấn đề truy thu nợ thuế và tình hình nợ công.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (tỉnh Vĩnh Phúc) trích dẫn lại số liệu từ Bộ Tài Chính, trong số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hiện nay có 34.000 tỷ đồng đến từ các DN không chịu trả mặc dù tình hình tài chính của các DN này đều đảm bảo. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Dũng về khả năng thu hồi số tiền thuế này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Dũng cho biết trong năm 2015 đã thu về hơn 31.000 tỷ đồng và còn treo 34.000 tỷ đồng nợ thuế. Chắc chắn sẽ thu được số tiền này, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.

Hài lòng với lời khẳng định của Bộ trưởng Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, quốc hội ghi nhận lời hứa, còn làm thế nào là việc của Bộ trưởng.

Tiếp sau đó, Chủ tịch Quốc hội đã thẳng thắn đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về thời điểm nào cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan của Việt Nam sẽ vào nhóm ASEAN 4 theo đúng Nghị quyết 19 của Chính phủ? Người đứng đầu ngành Tài chính cam kết, năm 2016 sẽ tương đương ASEAN 4.

Trong phần trả lời đại biểu về tình hình nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong các chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công, Việt Nam có 5 chỉ tiêu đạt theo yêu cầu, 1 chỉ tiêu không đạt là bù đắp bội chi, chỉ tiêu 4,5% nhưng thực hiện trên 5,5%. Nợ công tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn tới nợ công tăng cao bắt nguồn từ kế hoạch bổ sung phát hành trái phiếu chính phủ gấp 3 lần giai đoạn 5 năm trước. Đây cũng là mặt trái của nỗ lực đảm bảo phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm qua. Mặc dù vậy, nợ công cũng có điểm sáng, vay trong nước tăng lên 57,1% năm 2015 từ 39% năm 2011, cùng với đó vay nước ngoài giảm chỉ còn 42%.

Chính phủ sẽ quản lý chặt nợ công, đặc biệt là vay mới, nếu làm được tới năm 2020 nợ công sẽ chỉ còn 58,8% GDP, đỉnh nợ công là 64,8% năm 2017, Bộ trưởng Dũng tiếp tục đưa ra cam kết.

Về cân đối thu chi ngân sách, Bộ trưởng Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận tỷ lệ chi thường xuyên vẫn lớn, ảnh hưởng đến chi phát triển và trả nợ. Nguyên nhân đến từ việc chi tiêu an sinh xã hội tăng 18% một năm trong khi tăng thu ngân sách chỉ ở mức 9,5%, bên cạnh đó tăng chi cho quốc phòng, an ninh cũng là lý do. Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng, mặc dù tốc độ tăng thu ngân sách chậm lại nhưng quy mô ngân sách đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, theo đúng kế hoạch cơ cấu lại nợ công của Bộ Tài chính, tới năm 2020 nợ công sẽ chỉ ở mức 58%.

Quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN cũng là vấn đề được đại biểu dành cho người đứng đầu ngành Tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Trong giai đoạn 2011-2015, đã cổ phần hóa được 408/538 DN nhưng giá trị thoái vốn còn thấp, phần vốn nhà nước mới bán được 5% từ năm 2010 tới nay.

Thị trường tài chính hiện nay chưa ổn định, bán nhanh sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà nước, tiến độ cổ phần hóa là cần thiết nhưng phải cẩn trọng, không nóng vội được".