Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn: "Nóng" giá điện, xăng

Chia sẻ Zalo

KTDDT - Sau khi nhận hàng loạt chất vấn của đại biểu vào cuối phiên sáng nay, Bộ trưởng Vương Đình Huệ chiều nay tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ là một trong những bộ trưởng lần đầu tiên trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Theo dự kiến nội dung trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, Bộ trưởng Vương Đình Huệ sẽ trả lời nhóm vấn đề liên quan đến công tác điều hành quản lý giá xăng dầu, điện, than, dịch vụ công theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; những ảnh hưởng của giá đến doanh nghiệp và đời sống nhân dân và lỗ lãi của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng. Ngoài ra Bộ trưởng Tài chính cũng sẽ làm rõ các biện pháp tăng thu, chống thất thu và giảm bội chi ngân sách, nợ công, đảm bảo an ninh tài chính.
 

Trong văn bản trả lời chất vấn bằng văn bản của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, việc điều chỉnh giá xăng dầu các lần trong năm chỉ từ 2-4% là không lớn. Tuy nhiên, do điều chỉnh giá vào ngày nghỉ, ngày lễ nên gây tác động bất lợi đến tâm lý người tiêu dùng và có ảnh hưởng nhất định đến mặt bằng giá thị trường.

Công ty kinh doanh xăng dầu lãi hay lỗ, có hay không hiện tượng “làm giá”? Bộ trưởng cho biết đã tổ chức triển khai ba đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, tới đây khi có kết quả, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo cụ thể.

Cũng liên quan giá cả xăng dầu và điện, đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) đề nghị Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết tại sao giá xăng dầu thế giới nhiều thời điểm giảm mà giá trong nước không giảm? Tại sao giá điện tăng liên tục trong năm 2011, sự thật có phải hai ngành này lỗ hay do công tác điều hành về giá lỏng lẻo? Bộ trưởng Vương Đình Huệ giải thích, giá điện năm 2011 chỉ được điều chỉnh tăng một lần và với mức độ điều chỉnh là có kiềm chế. Với giá xăng dầu, tiếp tục điều hành theo hướng minh bạch, rõ ràng.

Trước đó, ngay sau khi nhậm chức cách đây hơn 3 tháng, người đứng đầu ngành tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã thu hút sự quan tâm và kỳ vọng của dư luận và đông đảo người dân với những “tuyên bố” mang tính đột phá trong việc mổ xẻ các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của toàn xã hội như giá xăng, giá điện… Không chỉ có thế, ngành tài chính cũng đang đứng trước trọng trách hết sức nặng nề trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết vấn đề nợ công… đang đòi hỏi trách nhiệm lớn lao của một vị tư lệnh ngành chủ chốt của nền kinh tế.

Tại nghị trường Quốc hội sáng nay 24.11, đại biểu Đặng Thế Vinh (Long An) là người đầu tiên mở đầu phần chất vấn với Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Đại biểu Vinh chất vấn Bộ trưởng về vấn đề nóng nhất hiện nay đó là chính sách điều hành giá xăng dầu. Đại biểu cho biết thực tế giá xăng dầu trong nước không theo kịp diễn biến tăng giảm của giá thế giới. Vậy phương án và giải pháp đề điều hành giá xăng dầu sắp tới sẽ như thế nào?

Cũng liên quan đến vấn đề giá xăng và giá điện, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu câu hỏi ngành điện lỗ nặng, lương cho cán bộ công nhân viên cao, trong khi lại luôn đòi tăng giá để bắt người tiêu dùng phải chịu. Vậy có phải chúng ta đang để cho tình trạng “từ độc quyền nhà nước, sang độc quyền doanh nghiệp” hay không?

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nêu kỳ vọng của nhiều cử tri về khả năng có thể làm thay đổi hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, Tổng công ty, đặc biệt là đối với hai lĩnh vực xăng dầu và điện. Đại biểu Hùng chất vấn Bộ trưởng hàng loạt câu hỏi: Nguyên nhân vì đâu ngành điện lực lỗ? Tái cơ cấu sắp tới ngành điện lực có gì thay đổi? Công khai giá xăng dầu khi nào có?

Liên quan đến lĩnh vực điện, có chung câu hỏi cho Bộ Tài chính và Bộ Công thương, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu thực trạng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân của khó khăn đó là do điện họ sản xuất ra chỉ được bán cho EVN, trong khi EVN lại luôn mua với giá rất thấp, thậm chí dưới giá thành. "Để tồn tại tình trạng này có phải do cơ chế, chính sách của chúng ta đang đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích quốc gia hay không? Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”, đại biểu Hương nhấn mạnh.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bức xúc cho biết: Chúng tôi đau đầu, hoa mắt, chóng mặt vì tình trạng thật giả lỗ lãi của ngành xăng dầu và ngành điện thời gian qua. “Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ sự thật để Quốc hội được biết và trách nhiệm minh bạch của Bộ trưởng”, đại biểu Minh nêu.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) chất vấn cụ thể về chương trình bình ổn giá thời gian qua. Ông yêu cầu Bộ trưởng cần phải cho biết đánh giá của Bộ trưởng về hiệu quả chương trình bình ổn giá này?

Kết thúc phần chất vấn của các đại biểu đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, tổng số đã có 13 đại biểu nêu câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - chủ tọa điều khiển phiên chất vấn cho biết một số câu hỏi chất vấn của các đại biểu chưa liên quan trực tiếp đến các nhóm vấn đề “nóng” đang thu hút sự quan tâm sẽ được Bộ trưởng Tài chính trả lời bằng văn bản gửi tới các đại biểu như chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) về thực trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI thời gian qua, câu hỏi của đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) về chế độ chính sách đối với các nhà khoa học…

Phiên chất vấn sáng nay khép lại vào lúc 11h30 phút. Đến 14h chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục phiên chất vấn trực tiếp tại Hội trường với Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

Mở đầu phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết ông đã giải trình bằng văn bản 5 chất vấn của các đại biểu xung quanh vấn đề cơ chế điều hành giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp,…

Xung quanh các chất vấn của 13 đại biểu trong phiên buổi sáng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã lần lượt giải trình theo 3 nhóm vấn đề: Chính sách điều hành giá, Quản lý tài chính công, chống thất thu thuế, và Hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Liên quan đến quản lý điều hành giá, Bộ trưởng cho biết: Có một nguyên tắc chung trong cơ chế quản lý giá cho các mặt hàng như điện, than, xăng dầu và các mặt hàng khác, đó là kiên trì nguyên tắc thị trường, có sự định hướng của nhà nước. Có nghĩa là tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, trong đó đảm bảo hạch toán mọi chi phí và đảm bảo lãi cho doanh nghiệp. Bởi nếu lỗ thì doanh nghiệp không kinh doanh.

Hiện nay than bán cho điện mới chỉ tính bằng 57% giá than bán cho các ngành khác. Vẫn bao cấp chéo về giá điện bán cho sản xuất thép và xi măng. Số tiền bao cấp lên tới 256.000 tỷ đồng, trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài được hưởng ưu đãi này.

“Yếu tố thị trường không có ngăn cản gì đối với mục tiêu nhà nước quản lý về giá. Các mặt hàng liên quan đến bình ổn giá nhà nước sẵn sàng bỏ tiền để bình ổn giá, đem lại ưu đãi cho người nghèo”, Bộ trưởng Huệ cho biết.

Liên quan đến thực trạng sản xuất kinh doanh và điều hành giá điện. Tập đoàn điện lực năm 2010 lỗ hơn 8.040 tỷ đồng trong đó có 15.000 tỷ đồng lỗ do chênh lệch tỷ giá. Lỗ do nguyên nhân EVN phải mua điện giá cao của doanh nghiệp ngoài ngành với giá lên tới 2.700 đồng/KW. Trong báo cáo kiểm toán đã khẳng định đầu tư ngoài ngành của ngành điện không được hạch toán vào khoản 8.040 tỷ này. Còn nguyên nhân lỗ 15.000 tỷ đồng là do chênh lệch tỷ giá, là bất khả kháng.

Năm 2011, kế hoạch lỗ trên 11.750 tỷ đồng. Qua 9 tháng lỗ thực chỉ 680 tỷ đồng. EVN tiết giảm được 460 tỷ tiền vật tư. Tuy nhiên đến tháng 10-11 thì việc đưa hai nhà máy Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau phải mua dầu chạy điện giá cao nên phát sinh tổng cộng 2.600 tỷ. Tổng cộng năm 2011 lỗ là 3.540 tỷ đồng.

Xung quanh câu hỏi của các đại biểu về việc lỗ của ngành điện trong năm 2011 được tính vào năm 2012 như thế nào, Bộ trưởng Huệ cho biết: Nguyên tắc là tính theo giá thị trường để đảm bảo đủ điện và kêu gọi đầu tư vào đây. Chính phủ, EVN và Bộ công thương đã nghĩ ra một kịch bản cho giá điện năm 2012 trên cơ sở cơ bản lấy giá thành của 2011, không tính phần lãi của EVN, lãi bằng 0, giá than bán cho điện thực 56,3% giá thành tiêu thụ của than. Do vậy về cơ bản không tính thêm các phần phát sinh giá thành tiêu thụ như hiện hành. Chưa phân bổ chi phí của 1.142 đồng của năm 2011 vào giá của năm 2012, do vậy giá điện chỉ dự kiến tăng 16% so với giá hiện nay - tăng rất kiềm chế.

Bộ trưởng Huệ cũng khẳng định tiền bán điện cho hộ nghèo vẫn như hiện nay, hộ tiêu thụ mức trung bình giá vẫn đảm bảo thấp hơn mức bình quân chung.

Xung quanh chuyện ép giá, lợi ích nhóm được đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phản ánh, Bộ trưởng Vương Đình Huệ công nhận câu chuyện đại biểu nêu ra là có thật khi mà có tình trạng EVN mua điện giá rẻ.

"Tập đoàn có mua điện giá thấp của các doanh nghiệp khác. Tất nhiên, đó cũng là theo nguyên tắc thị trường. Trước đây hai bên vui vẻ. Tuy nhiên thời điểm này có hai vấn đề đặt ra là chênh lệch tỷ giá và lãi suất cao. Thủ tướng đã chỉ đạo để từng bước điều chỉnh cho các doanh nghiệp giá rẻ. Sản xuất điện của các nhà máy này rất quan trọng nên phải tháo gỡ, không thể để họ ngừng được”, Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh.

Trả lời đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) vế vấn đề giá xăng dầu, kinh doanh xăng dầu có lãi không, khi IPO lại lãi..., Bộ trưởng Huệ cho biết: Trước năm 2008 chỉ bù lỗ cho dầu vì phục vụ sản xuất. Sau năm 2008 bỏ cơ chế bù lỗ, năm 2010 lãi 314 tỷ, xăng thì lỗ, chỉ lãi ở các lĩnh vực đầu tư khác 486 tỷ. Có nghĩa là 3 năm đều lãi. Năm 2011 nếu không có biến động tỷ giá, các doanh nghiệp đảm bảo định mức kinh doanh thì vẫn có thể lãi.

"Năm 2011, giá xăng dầu thế giới nhảy múa, giá điện điều chỉnh 1 lần, xăng dầu 4 lần (2 lần tăng hai lần giảm). Điều chỉnh như vậy dễ tạo cảm giác dồn dập”, Bộ trưởng Huệ công nhận.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Kịch bản xăng dầu tới đây vẫn kiên trì thực hiện theo Nghị định 84. Lâu dài sẽ đánh giá bất cập của Nghị định 84, đưa lợi nhuận định mức ra khỏi giá cơ sở, xem xét lại cơ cấu chiết khấu cho đại lý.

Xung quanh chất vấn của các đại biểu về nợ công, Bộ trưởng khẳng định: Nợ công của chúng ta vẫn an toàn. Bởi cơ cấu nợ công là 79% vay ODA, 7% vay thương mại và 19% vay của Nhật Bản với lãi suất thấp và thời gian ân hạn dài. Cơ cấu này hoàn toàn khác với cơ cấu nợ công của thế giới. Nước ta còn nghèo, nhu cầu vốn rất lớn nên vẫn phải vay. Hiện nay tổng chi phí trả nợ chiếm 15% tổng thu ngân sách. Nhưng vì Chính phủ đi vay về cho vay lại nên Nhà nước vừa là chủ nợ vừa là con nợ. Nên có khoảng 1,5% số nợ phải trả hàng năm là doanh nghiệp phải trả hàng năm.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ đề cập đến ba giải pháp tăng khả năng trả nợ công: Thứ nhất, giảm bội chi một cách nghiêm túc; thứ hai là tăng cường năng lực quản lý nợ của cơ quan quản lý; thứ ba là tăng cường khả năng dự báo nợ công.

Giải trình xung quanh các chất vấn liên quan đến quỹ bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết hiện nay Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương sử dụng nhiều quỹ bình ổn nhất. Chương trình này về tổng quát có đảm bảo cung cầu hàng hóa và ổn định giá cả hàng hóa góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, vẫn cần đánh giá để thấy rõ hiệu quả. Chương trình chỉ hỗ trợ vốn, lãi suất cho doanh nghiệp mà chưa gắn với các chương trình sản xuất, lưu thông, phân phối... Để trả lời cơ chế này có hiệu quả hay không cần phải có nghiên cứu rút kinh nghiệm.

Để làm rõ những vấn đề chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo thêm. Liên quan đến thu nhập của ngành điện gây sự bất bình trong dư luận trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: EVN vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Do đó đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.

Ví dụ năm 2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn quy định 5.434đồng/KW điện năng bán được. Do đó, đã có căn cứ cụ thể để xem xét. Để nói lương thấp hay cao cần phải dựa vào 3 yếu tố: so với mức thu nhập bình quân lao động của cả nước, so sánh với cùng khu vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Nếu không sẽ không đủ cơ sở.

“Đáng lẽ ra khi công bố thông tin này, lãnh đạo EVN cần phải phân tích toàn diện. Chẳng hạn như quy định phụ cấp ngành điện được hưởng: an toàn điện, độc hại… thuộc nhóm 5 chiếm 25% tiền lương. Do đó có thể suy ra, nếu thu nhập 7,3 triệu đồng thì phụ cấp chiếm 1,9 triệu đồng. Chỉ có 5,4 triệu đồng là thu nhập ròng.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) tiếp tục truy vấn Bộ trưởng Vương Đình Huệ về tình trạng mà bà Nga cho rằng EVN "độc quyền hai đầu" - vừa mua độc quyền vừa bán độc quyền. Riêng về vấn đề lương cao của cán bộ ngành điện, đại biểu Nga cho rằng: Lương cao mà lãi thì hoàn toàn đồng tình, nhưng lại kêu lỗ thì không tốt.

Sau đại biểu Nga, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng tiếp tục lật lại vấn đề vừa được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình xung quanh việc phụ cấp cho công nhân ngành điện. Đại biểu Minh nêu quan điểm: Không phản đối về phụ cấp cho ngành điện. Nhưng "thà chịu đau một lần", tính đủ lãi, chi phí rồi tính luôn để làm lành mạnh hoạt động ngành điện, đưa hiệu quả, năng suất lên thì còn tốt hơn. Đồng thời, ông Minh cũng tỏ ra sốt ruột khi yêu cầu Bộ trưởng sớm công khai báo cáo thanh tra các doanh nghiệp xăng dầu cho dư luận biết.

Trả lời trực tiếp ý kiến của đại biểu Minh về lương của EVN, và giá điện, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết đã xem xét vấn đề này và đồng tình với ý kiến của đại biểu Minh rằng: Vấn đề không phải là cao hay thấp mà là có hợp lý hay không.

“Tăng một lần để chịu đau cũng tốt, nhưng đôi khi đau không xuể chính vì vậy phải từ từ”, Bộ trưởng Huệ hóm hỉnh nói.

Bộ trưởng Huệ cũng cho biết: "Báo cáo kiểm tra xăng dầu đã xong, hiện đang lấy ý kiến giải trình của các đầu mối và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất. Quỹ bình ổn giá xăng dầu năm 2011 này còn dư 2.117 tỷ đồng. Sắp tới vẫn duy trì Quỹ này nhưng hướng là sẽ để tại Kho bạc nhà nước và doanh nghiệp được tự ý kê khai không phải xin".

Xác định lộ trình thực thi giá xăng dầu theo cơ chế thị trường là một vấn đề quan trọng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát biểu làm rõ thêm xung quanh nội dung này.

Phó Thủ tướng cho biết: Thủ tướng đã phê duyệt trong Nghị định 84 và Quyết định 24. Vấn đề chỉ là “tốc độ đi” như thế nào. Nếu không đưa giá các dịch vụ khác theo giá thị trường thì không thể xóa được độc quyền. Phó Thủ tướng chia sẻ sự đồng tình với đại biểu Ngô Văn Minh khi nêu quan điểm, “không quan trọng là giá thị trường cao hay thấp, mà quan trọng là nó được hình thành có dựa trên cơ chế cạnh tranh bình đẳng hay không". Do đó sắp tới chúng ta sẽ tiến dần tới việc xây dựng và thiết lập các thị trường cạnh tranh thuộc các lĩnh vực.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê quán tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc - Nghệ An. Ông được Quốc hội bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước từ năm 2006.

Tháng 6.2011 ông đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ngày 2.8. 2011, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước, và ngày 3.8.2011 Quốc hội Khóa XIII đã phê chuẩn danh sách nội các Chính phủ, ông chính thức trở thành tân Bộ trưởng Bộ Tài Chính.