Cụ thể, theo Nghị quyết 69, Chính phủ đã dành riêng một mục để đề cập đến việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Chính phủ nhận định, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025” đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, tạo sự lan tỏa trong hệ thống hành chính nhà nước.
Bộ TT&TT sớm trình ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0. Ảnh minh họa |
Cụ thể là, phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban.
Phân công Bộ trưởng Bộ TT&TT làm Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử.
Chuyển nhiệm vụ Thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT.
Cùng với đó, Chính phủ cũng thống nhất chuyển các nhiệm vụ đang thực hiện từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện từ ngày 4/9/2019, bao gồm: Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019; Chỉ đạo thực hiện mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ, tích hợp với Hệ tri thức Việt số hóa;
Định kỳ hàng quý, báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ và nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả, chất lượng (KPI) thực thi nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử.
Đồng thời, phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến trên thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Bộ TT&TT chịu trách nhiệm bảo đảm nền tảng kết nối an toàn tuyệt đối cho các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Cũng theo chỉ đạo của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị định 150 ngày 11/11/2016, Nghị định 09 ngày 24/1/2019 và Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ; làm tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, đôn đốc việc tổ chức thực hiện và tổng hợp tình hình kết quả xây dựng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan, địa phương được yêu cầu phải lựa chọn các dịch vụ người dân quan tâm và có nhu cầu sử dụng để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tránh làm hình thức, theo phong trào, gây lãng phí; tập trung xây dựng hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương trình ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 2.0); thực hiện việc kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, nhà nước với Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, đạt tiêu chuẩn về an toàn thông tin… và các nhiệm vụ cụ thể khác.
Trước đó, vào ngày 5/9, trong phát biểu chỉ đạo hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT quý III/2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thông tin với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT.