Ngày 31/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đang xem xét lại hồ sơ và sẽ có công văn gửi cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội để làm rõ vụ việc. Có thể là giấy phép giả Như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh trong các số báo gần đây, gói thầu số 4 "Mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm" trị giá khoảng 30 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư nâng cấp TTBYT cho các BV tuyến huyện ở Hà Nội đang có nhiều nghi vấn về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Lô hàng thuộc dự án này do Công ty CP Xuất nhập khẩu (XNK) Khoáng sản mua lại từ công ty khác, đơn vị NK là Công ty TNHH Bình Mai (trụ sở tại Hà Nội). Ngày 1/6/2010, Công ty TNHH Bình Mai mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, NK lô hàng gồm 6 máy xét nghiệm với giá NK tổng cộng 2,147 tỷ đồng (gần 360 triệu đồng/chiếc). Sau khi nhập khẩu máy Greiner GA 240 vào Việt Nam, Công ty TNHH Bình Mai bán cho Công ty Tâm Long (trụ sở ở Hà Nội), Tâm Long lại bán cho Công ty CP XNK khoáng sản, đơn vị trúng thầu gói thầu số 4. Chính việc mua bán lòng vòng này khiến giá trúng thầu đội lên đến 648 triệu đồng/chiếc, gần gấp đôi giá NK trên giấy tờ. Chưa hết, đơn vị NK 6 máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 xuất xứ Đức vào thời điểm 1/6/2010, nhưng mãi đến ngày 2/8/2010, Bộ Y tế mới cấp giấy phép 5087 (do bà Nguyễn Thị Kim Tiến, khi đó là Thứ trưởng ký) cho phép NK các thiết bị mới 100% cho lô hàng này. Ngày 31/7, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khá bất ngờ trước thông tin này. Bộ trưởng cho biết, sẽ xem xét lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ vì theo nguyên tắc hồ sơ trước khi trình lên Thứ trưởng ký đã được các vụ, cục thẩm định. Đồng thời, không loại trừ giấy tờ có tên bà ký khi còn là Thứ trưởng là giả. "Nếu có việc xuất hiện 2 tờ giấy phép mang cùng một số 5087 mà chỉ khác ngày cấp là có dấu hiệu làm giả. Bộ Y tế sẽ có công văn gửi cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội để làm rõ vụ việc. Về nguyên tắc lô hàng phải được Bộ Y tế cấp phép NK mới được nhập vào Việt Nam nhưng không loại trừ việc DN nhập hàng trước sau đó hợp thức hóa thủ tục, giấy tờ. Hành vi này là gian lận thương mại và qua mặt cơ quan chức năng, thậm chí có dấu hiệu làm giả giấy tờ để NK" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. Khó kiểm soát Ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ TTBYT cho biết, hiện trên thị trường có hơn 10.000 loại TTBYT, mỗi năm, Bộ cấp phép cho gần trên dưới 4.000 thiết bị. Cụ thể, năm 2013 là 4.205, 6 tháng đầu năm 2014 là 1.542 thiết bị. Như vậy, mỗi tuần Bộ phải ký giấy cấp phép cho hàng chục đến hàng trăm hồ sơ. Vì vậy, cũng dễ hiểu, việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm không hề đơn giản. Riêng đối với TTBYT không rõ nguồn gốc bị phát hiện tại BV Đa khoa Thường Tín, ông Nguyễn Minh Tuấn thừa nhận, với các quy định như hiện nay có thể xảy ra gian lận thương mại trong NK và chưa thể kiểm soát được chất lượng TTBYT NK. Ngoài ra, tại một số BV của Hà Nội (BV Đa khoa Hoài Đức, Thường Tín…) dù máy móc chỉ hỏng hóc một số bộ phận nhưng không báo cáo để sửa chữa, mà chủ động mượn máy của công ty ngoài để mua hóa chất. Trước vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế đặt nghi vấn, có hay không việc bắt tay với công ty ngoài để ăn chia lợi nhuận. Đến nay, ngành chức năng chưa vào cuộc điều tra để có câu trả lời cụ thể. Lý giải của Bộ Y tế cho thấy, Bộ quá nhiều việc, riêng việc kiểm soát TTBYT đã là vô cùng khó vì mỗi năm NK hàng ngàn thiết bị. Còn lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng thừa nhận, với nhân lực của các phòng, ban của Sở như hiện nay, không thể kiểm tra, hậu kiểm hết tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, mà đòi hỏi ý thức, trách nhiệm quản lý của từng đơn vị. Xem ra, quản lý TTBYT nói riêng và công tác khám chữa bệnh nói chung còn quá nhiều bất cập.