Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Y tế điều gần 30 chuyên gia và nhiều trang thiết bị hỗ trợ Điện Biên chống dịch Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến trưa ngày 6/2, gần 30 chuyên gia, cán bộ của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã có mặt tại Điện Biên để cùng với địa phương triển khai toàn diện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 5/2, Điện Biên ghi nhận ca bệnh Covid-19 và là địa phương thứ 11 có bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch này, ngay lập tức Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cử lực lượng tinh nhuệ của Bộ bao gồm các chuyên gia chống dịch và điều trị hàng đầu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư và Bệnh viện Bạch Mai tới Điện Biên hỗ trợ chống dịch.
Các chuyên gia sẽ giúp đỡ ngành y tế Điện Biên giám sát dịch tễ, các hoạt động đáp ứng dịch, xét nghiệm và thiết lập hệ thống điều trị.
Chiều ngày 5/2, đoàn công tác gần 20 chuyên gia và cán bộ đã đến Điện Biên. Để tăng cường thêm hoạt động  điều trị, dự phòng, trưa 6/2, thêm 11 cán bộ y tế các chuyên ngành xét nghiệm, dự phòng và kỹ sư đã tiếp tục đến Điện Biên.
Như vậy, đến nay đã có gần 30 chuyên gia, cán bộ y tế về các lĩnh vực dự phòng, điều trị, xét nghiệm được Bộ Y tế điều động đã có mặt tại Điện Biên.
Tính đến sáng ngày 6/2, Điện Biên chưa có thêm ca mắc mới Covid-19. Toàn tỉnh đang có 3 bệnh nhân (đã được Bộ Y tế công bố).
 PGS.TS Đào Xuân Cơ phát biểu tại cuộc họp giữa đoàn Bộ Y tế với Sở Y tế Điện Biên.- Trung tâm Y tế TP Điện Biên Phủ được lựa chọn làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trao đổi qua điện thoại, TS Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế đang ở Điện Biên cho biết, trong 3 bệnh nhân Covid-19 của tỉnh, có 2 trường hợp đang điều trị tại TTYT huyện Mường Ẳng (cách TP Điện Biên Phủ khoảng 50km) và 1 trường hợp điều trị tại TTYT  TP Điện Biên Phủ. Hiện sức khoẻ các bệnh nhân ổn định, không có dấu hiệu gì đặc biệt.
TS Vương Ánh Dương  cho hay, sau khi tới nơi, ngay chiều tối 5/2 đoàn đã  làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Điện Biên về công tác phòng chống dịch.
Báo cáo của tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh đang huy động toàn bộ lực lượng liên quan để cùng ngành y tế thực hiện truy vết, khoanh vùng, cách ly các trường hợp liên quan đến 3 bệnh nhân của địa phương. Tuy nhiên, công tác truy vết F1,F2 gặp khó khăn, do địa bàn rộng, một số không khai báo y tế, khai báo không trung thực.
Tỉnh cũng cho biết hiện tại năng lực xét nghiệm ở Điện Biên chỉ đáp ứng được 200 mẫu/ ngày. Dự báo dịch có thể lan ra nhiều huyện, nên tỉnh sẽ phải xét nghiệm trên diện rộng, như vậy năng lực xét nghiệm không đủ đáp ứng.
Ngay sau buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi khảo sát thực tế tại 3 bệnh viện trên địa bàn Bệnh viện đa khoa tỉnh, BV Phổi và TTYT TP Điện Biên Phủ để đánh giá năng lực, điều kiện thành lập BV dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Qua khảo sát thực tiễn và trao đổi với địa phương, đoàn đã quyết định chọn TTYT TP Điện Biên Phủ là bệnh viện dã chiến với quy mô 180-200 giường bệnh,  trong đó có 15-20 giường hồi sức với đầy đủ hệ thống oxy, khí nén, máy thở... điều trị  bệnh nhân Covid-19.
Đoàn công tác cũng đánh giá cao năng lực chuyên môn về hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Điện Biên Phủ và đội ngũ nhân lực có thể chi viện cho bệnh viện dã chiến khi cần.
Theo  thông tin của TS Vương Ánh Dương, sáng ngày 6/2, đoàn công tác tiếp tục làm việc tại TTYT TP Điện Biên Phủ từ 6 giờ để cùng khảo sát, bàn bạc các phương án nâng công năng của một số khoa, phòng, phân luồng cán bộ, thiết lập khu điều trị bệnh viện dã chiến tại đây.
Song song với đó, đoàn công tác đã lên phương án trong chiều hôm nay tập huấn đào tạo cho tất cả các cán bộ về hồi sức, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn của các cơ sở y tế trên toàn tỉnh về điều trị. Đồng thời, tập huấn cho các nhóm cán bộ dự kiến sẽ huy động phục vụ cho hoạt động của BV dã chiến về hồi sức, vận hành máy móc, thiết bị và kiểm soát nhiễm khuẩn...
Mặt khác, đoàn công tác phối hợp cùng ngành y tế Điên Biên lên kế hoạch cụ thể về nhân lực sẽ huy động cụ thể từ các đơn vị khác phục vụ hoạt động của bệnh viện dã chiến về hồi sức, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, sản khoa- ngoại khoa.
“Cùng đó, danh mục trang thiết bị, thuốc và phương tiện phòng hộ cụ thể cho hoạt động của BV dã chiến đã được đoàn công tác và ngành y tế địa phương xây dựng hoàn thiện trong sáng nay. Từ đó, đề xuất với tỉnh để kịp thời điều phối và đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ khi cần”- TS Vương Ánh Dương cho biết thêm.
Cũng theo TS Vương Ánh Dương, các chuyên gia về dự phòng và xét nghiệm đang nỗ lực tích cực phối hợp cùng ngành y tế địa phương trong công tác dự phòng và xét nghiệm để nâng công suất xét nghiệm của Điện Biên lên so với hiện nay.
PGS. TS Đào Xuân Cơ- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đang có mặt tại Điện Biên cho biết ngoài lực lượng 12 chuyên gia và cán bộ y tế đã lên Điện Biên chiều ngày 5/2 mang theo cơ số trang thiết bị, trong đó có 1 máy ECMO (Tim phổi nhân tạo), thiết bị hiện đại nhất hiện nay phục vụ cho điều trị; qua khảo sát cho thấy, tại TTYT TP Điện Biên Phủ, nhân lực và trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đều thiếu (không có hệ thống ô xy trung tâm, khí nén), thiếu máy thở...  đoàn công tác của bệnh viện đã đề xuất lãnh đạo chi viện thêm nhân lực và thiết bị.
“5 kỹ sư có kinh nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai vừa lên đến Điện Biên sáng nay cùng với trang thiết bị mang thêm sẽ giúp cải tạo khoa Hồi sức tích cực hiện nay của TTYT TP Điện Biên Phủ đặt hệ thống oxy, bố trí lắp đặt máy về hồi sức tích cực... phục vụ hoạt động của bệnh viện dã chiến”- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.