Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Y tế không nên quản lý giá thuốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược, đề xuất xóa bỏ cơ chế Bộ Y tế quản lý giá thuốc “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong lĩnh vực này.

Được mời phối hợp trả lời cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng nay 11/6 về quản lý giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay quản lý giá thuốc theo Luật Dược cũ năm 2005, gần đây theo Luật Giá và trong Luật Đấu thầu có thêm chương đấu thầu thuốc.

Hiện nay, Bộ Y tế quản lý giá thuốc đã phân chia theo nhóm thuốc đạt EU- GMP nhóm nước và theo nhóm thuốc của VN, tách nhóm thuốc đông y, y học cổ truyền, thuốc dược liệu và cũng tách cả nguyên liệu đầu vào có chất lượng như vậy đấu thầu công khai minh bạch hơn.

Ngoài ra, VN quản lý theo 2 loại thuốc một là thuốc chi trả theo NSNN và bảo hiểm y tế cũng theo Luật Đấu thầu hiện nay; hai là thuộc không thuộc NS chi trả, thuốc ngoài thị trường quản lý theo tổ liên ngành và theo hình thức các DN kê khai giá. 

Thống kê hiện nay, thuốc thuộc NS chi trả và bảo hiểm có 900 hoạt chất hơn 10 nghìn loại thuốc, ngoài thị trường là khoảng 1.500 hoạt chất và hơn 22.000 loại thuốc.

Theo Bộ trưởng Y tế, những DN nước ngoài không được tham gia phân phối thuốc trên thị trường thuốc của VN, gần đây Bộ Y tế xây dựng đề án người VN ưu tiên dùng hàng VN và xây dựng đề án "Ngôi sao Việt" để bình chọn thuốc Việt đạt chất lượng cao giá thành vừa phải như vậy trong thời gian qua quản lý thuốc hiện nay khá chặt so với các nước trong khu vực.

Về cách thức đấu thầu, Bộ trưởng Tiến cho hay, Bộ Y tế phân quyền cho các sở y tế và các bệnh viện chi phí thuốc do BHYT đã giảm 25%-30% và thuốc Việt được sử dụng trong nước tăng lên gấp đôi. Qua báo cáo nhanh của một số sở y tế trúng thầu theo quy định mới, kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi giảm 24% tiết kiệm khoảng 28 tỷ đồng, Sở Y tế Quảng Ninh giảm 20% tiết kiệm khoảng 40 tỷ, Sở Y tế Hậu Giang tiết kiệm khoảng 57 tỷ đồng. Và của 26 bệnh viện trực thuộc bộ tổng cộng đều giảm từ 25-35% số tiền tiết kiệm tương ứng là 379 tỷ đồng. Tổng số tiền thuốc chi cho BHYT đã giảm được từ 25-35%, trước đó VN là một trong những nước tổng chi phí giành cho thuốc diện BHYT là khá cao.
Bộ Y tế không nên quản lý giá thuốc - Ảnh 1
Cũng theo Bộ trưởng Tiến, hiện nay thực trạng giá thuốc VN, mức độ tăng giá của thuốc chỉ đứng thứ 8 hoặc thứ 9 trong số 11 nhóm hàng trong rổ CPI, đối với các nước xung quanh giá thuốc của VN thấp hơn Trung Quốc 1,5-2 lần, thấp hơn Thái Lan 2 lần...

Quan điểm của Bộ trưởng cho rằng rằng Bộ Y tế chỉ nên quản lý về chuyên môn, phát triển công nghiệp dược để nội địa hóa thị trường thuốc càng tự túc càng tốt bởi thuốc Việt hiện nay mới chỉ chiếm 5% trên thị trường. "Trong Luật Dược sắp tới Bộ Y tế không nên quản lý giá, vừa phân phối vừa nhập khẩu lại vừa ghi toa vừa bán thuốc. Bộ Y tế chỉ kiểm soát an toàn hiệu quả, danh mục thuốc, cấp phép, đăng ký lưu hành, cho phép nhập khẩu, đánh giá thuốc giả thuốc chất lượng, phân phối, đấu thầu, kê toa… đây là một quy trình khép kín, chúng tôi muốn đổi mới công khai minh bạch để người dân có quyền lựa chọn các loại thuốc”, bà Tiến nói.