Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Y tế phản hồi về thông tin nhiều đoàn kiểm tra ATTP trùng lặp

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế đã có phản hồi ý kiến cử tri phản ánh tình trạng có quá nhiều đoàn cùng kiểm tra một cơ sở về một nội dung trong cùng thời điểm, gây phiền hà cho các đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh trong công tác an toàn thực phẩm.

Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, cử tri phản ánh tình trạng có nhiều đoàn đến kiểm tra một cơ sở về cùng nội dung trong một thời điểm, gây phiền hà cho các đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh trong công tác an toàn thực phẩm.

Liên quan đến nội dung này, Bộ Y tế cho biết, nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra đã được quy định tại Luật Thanh tra.

Đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra ATTP tại Công ty CP Davidcorp Việt Nam (huyện Thanh Trì).
Đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra ATTP tại Công ty CP Davidcorp Việt Nam (huyện Thanh Trì).

Đồng thời, nguyên tắc kiểm tra được quy định tại thông tư 48/2015 của Bộ Y tế quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, được sửa đổi, bổ sung tại thông tư 17/2023 do Bộ Y tế ban hành.

Để tránh chồng chéo trong công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm theo quy định, hằng năm, Bộ Y tế xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra. Đồng thời, Bộ Y tế với trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm - thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch triển khai công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm.

Trong đó, giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm gồm: Y tế, NN&PTNT, Công Thương, các bộ, ngành thành viên ban chỉ đạo và UBND các tỉnh, TP triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo trách nhiệm được phân công.

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh triển khai hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục nâng cao năng lực cho hệ thống thanh tra ở các địa phương, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Cũng theo Bộ Y tế, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế, an sinh xã hội. Thời gian qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp...

Qua đó, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, trong đó tập trung từ quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng, xử lý nghiêm vi phạm… Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyệt đối không đánh đổi sức khỏe để lấy kinh tế.