Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BOJ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo cơ chế mới mới, BOJ đã áp dụng “giám sát cơ số tiền tệ” để theo đuổi việc nới lỏng số lượng, thay đổi mục tiêu chính trong các hoạt động thị trường tiền tệ từ lãi suất qua đêm hiện nay sang cơ số tiền tệ.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 5/4 đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ theo cơ chế tiền tệ mới, cho thấy quyết tâm của Tân Thống đốc Haruhiko Kuroda theo đuổi chính sách tiếp tục nới lỏng tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong vòng hai năm để chống giảm phát.

Đây là quyết định tại cuộc họp chính sách đầu tiên do Tân Thống đốc Kuroda chủ trì sau khi ông nhậm chức ngày 20/3.

BOJ tuyên bố sẽ bước vào giai đoạn mới của chính sách nới lỏng tiền tệ cả về số lượng và chất lượng, tăng gấp đôi cơ số tiền tệ trong hai năm và tăng mua trái phiếu chính phủ.
 
BOJ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ - Ảnh 1
 
 
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda. (Nguồn: Bloomberg)

Trái phiếu chính phủ với tất cả các kỳ hạn thanh toán, bao gồm cả trái phiếu kỳ hạn 40 năm, sẽ là đối tượng được BOJ mua. Nhờ vậy, kỳ hạn còn lại trung bình của trái phiếu chính phủ được mua sẽ nới rộng từ mức chưa đầy ba năm hiện nay lên khoảng bảy năm.

BOJ cũng sẽ tăng cường mua các tài sản tài chính chứa đựng rủi ro, như các quỹ đầu tư tín thức. Ngân hàng này đã quyết định “tiếp tục nới lỏng tiền tệ về số lượng và chất lượng” để đạt được mục tiêu lạm phát 2% “chừng nào còn cần thiết để duy trì mục tiêu này.”

Theo cơ chế mới mới, BOJ đã áp dụng “giám sát cơ số tiền tệ” để theo đuổi việc nới lỏng số lượng, thay đổi mục tiêu chính trong các hoạt động thị trường tiền tệ từ lãi suất qua đêm hiện nay sang cơ số tiền tệ. BOJ sẽ tăng cơ số tiền tệ lưu thông trên thị trường với tốc độ hàng năm khoảng 60.000-70.000 tỷ yen.

Với các biện pháp mới, ngân hàng sẽ kết thúc chương trình mua tài sản mà cựu Thống đốc Masaaki Shirakawa công bố năm 2010 và tạm thời ngừng “nguyên tắc giấy bạc ngân hàng” mà họ tự đặt ra để đảm bảo rằng ngân hàng không bị các thị trường coi là tài trợ cho nợ của chính phủ.

Theo quy tắc giấy bạc ngân hàng được áp dụng năm 2001, Ngân hàng Trung ương hạn chế mua trái phiếu dài hạn của chính phủ với tổng trị giá bằng số tiền mặt đang lưu thông nhằm tránh để cho BOJ bị coi là tài trợ trực tiếp cho các khoản nợ của chính phủ, một thực tế có thể hủy hoại lòng tin vào chính sách tài chính của chính phủ.

Sau khi BOJ công bố các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới, đồng yen đã mất giá mạnh so với đồng USD và euro, trong khi chứng khoán Tokyo tăng giá cao hơn vào cuối ngày giao dịch, tăng 272,34 điểm, tức 2,2% so với mức 12.634,54 điểm của ngày 4/4.

Trong tuyên bố của mình, BOJ cũng cập nhật đánh giá về nền kinh tế Nhật Bản, nói rằng kinh tế Nhật Bản “đã ngừng yếu đi và cho thấy một số dấu hiệu khởi sắc”./.