Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bốn mùa xe đạp phố

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mùa Xuân đến đạp xe trên phố…” - dù biết rằng ca khúc “Lời tỏ tình của mùa Xuân” được nhạc sĩ Thanh Tùng viết vào năm 1985, khi ông đã ở TP Hồ Chí Minh nhưng không hiểu sao tôi vẫn đinh ninh những ca từ đẹp đẽ ấy là từ cảm hứng ông có được nhờ những năm tháng sống ở Hà Nội.

Thiếu nữ trên phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thành
Có một quãng dài trong lịch sử, dễ tới dăm chục năm, người Hà Nội gắn bó với chiếc xe đạp. Và gần như chỉ là xe đạp. Những chiếc Peugeot, Mercier, Sterling… thời thuộc Pháp cho đến những Diamant, Mipha, Sputnhich, Eska… theo chân du học sinh, người lao động ở Liên Xô và các nước Đông Âu mang về đã là phương tiện đi lại, tài sản, của để dành của người dân Hà Nội. Phổ biến nhất vẫn là những chiếc Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu hàng viện trợ từ Trung Quốc cùng những chiếc xe Thống Nhất, sản phẩm của nền công nghiệp Việt Nam non trẻ thời ấy. Những năm tháng ấy, sở hữu một chiếc xe đạp là niềm mơ ước của mỗi người… Ít lâu sau, có vẻ như xe đạp không còn là một tài sản nữa, mà nó được trả về nguyên gốc là một phương tiện đi lại. Bằng chứng là Nhà nước đã bãi bỏ việc cấp đăng ký, biển số cho xe đạp.
Suốt nửa thế kỷ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống mỗi con người, mỗi gia đình, xe đạp đã để lại những hình ảnh không dễ quên trong ký ức mỗi người dân. Khi Hà Nội vẫn là TP của xe đạp, một hình ảnh khá thơ mộng trong mắt bạn bè thế giới. Đến từ những TP Âu Mỹ nơi người ta di chuyển bằng những phương tiện giao thông hiện đại, khách quốc tế cảm thấy thật thơ mộng trước cảnh những trai gái Hà Nội chở nhau trên những chiếc xe đạp, như trôi đi trong ánh nắng Thu hay tiếng ve mùa Hạ. Cái danh hiệu ấy giờ đây là của Amsterdam, Copenhagen, Paris, Berlin…
Ngắm những người cùng chung sở thích đạp xe, có nam có nữ, có già, có trẻ của Hà Nội hôm nay lại muốn nói về một mong ước ngày mai: Cùng với nhịp phát triển của TP, đến một ngày nào đó, Hà Nội trở lại là TP của xe đạp như Amsterdam, Copenhagen, Paris, Berlin…
Những năm trở lại đây, trào lưu trở lại với xe đạp đang xuất hiện. Nếu như cả một thời gian dài, người Hà Nội chỉ dùng hoặc chỉ có thể dùng một vài nhãn xe quen thuộc thì những người đang trở lại với xe đạp của Hà Nội hiện nay có cơ hội sử dụng đủ loại xe đạp trên thế giới. Một người bạn trong nhóm đạp xe của tôi, từng ngồi ở một điểm dừng chân trên cung đường đạp xe buổi sáng ven Hồ Tây mà quan sát đã phát hiện một điều thú vị: Ngót trăm chiếc xe trôi qua, gần như không chiếc nào trùng nhau về kiểu dáng, nhãn mác. Những chiếc xe đạp bây giờ cũng có mức giá rất khác nhau, từ dăm bảy đến cả trăm triệu đồng.

Thoải mái trong sự lựa chọn những chiếc xe người Hà Nội cũng có nhiều sự lựa chọn cho cung đường đạp xe rèn luyện mỗi buổi sáng của mình. Cao thủ là những cua-rơ mỗi sáng vượt cầu Nhật Tân qua sông Hồng theo Đại lộ Võ Nguyên Giáp lên tận sân bay Nội Bài, cả đi lẫn về ngót trăm cây số. Người ít sức hơn thì đạp lên Hồ Tây, chạy một vòng quanh hồ, cỡ 15 - 20km rồi vẫn kịp về ăn sáng, đi làm. Tụ về Hồ Hoàn Kiếm là những cư dân phố cổ. Đạp dăm vòng quanh Bờ Hồ, nghe tiếng nhạc, tiếng cười vọng ra từ những nhóm khiêu vũ thể thao, yoga… cũng là sự bắt đầu đầy hứng khởi một ngày mới.

Điều đáng nói là sử dụng những chiếc xe khác nhau, trên những cung đường khác nhau nhưng dân đạp xe, ngoài cái lợi về sức khỏe, lại có những niềm vui khá giống nhau. Thú vị nhất với các bà, các cô là sau những chặng đạp xe giữ cho dáng đẹp, eo thon là lúc sà vào các phiên chợ sớm. Hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Hoàn Kiếm và nhất là Hồ Tây đều có những phiên chợ họp trong sương sớm như thế. Thôi thì đủ loại. Người ta có thể mua ở đây từ một đôi giày thể thao, chiếc áo khoác cho đến con cá, mớ rau. Giá rẻ lại tha hồ mặc cả mà không sợ bị lườm nguýt hay đốt vía. Và một mặt hàng không thể thiếu trong những phiên chợ sớm, đó là hoa. Mùa nào thức nấy. Hồng, cúc, lay dơn, thược dược, loa kèn… tất thảy đều tươi mởn, ngát hương. Một hình ảnh khá nên thơ là một bà, một cô đạp xe trong bộ đồ thể thao buổi sáng, trên đường Nguyễn Đình Thi, sau đèo hàng buộc một bó cúc vàng tươi hay bó hồng tỏa hương thơm ngát…

Như một nét duyên, mùa nào, tiết nào Hà Nội cũng cho người đạp xe thưởng thức những vẻ đẹp của đất trời. Có người bảo chơi gofl cũng là một thứ gây nghiện, như một loại ma túy xanh. Với môn thể thao bình dân là đạp xe cũng vậy. Nhiều người gần như 365 ngày đạp xe, kể cả ngày Mồng Một Tết Nguyên đán. Đến ngày Mồng Hai thì hầu hết tín đồ của môn thể thao này rủ nhau “đạp xe lấy ngày”. Có lẽ, điều khiến người ta có thể nghiện loại hình thể thao này ấy là khi guồng những vòng quay trên chiếc xe đạp thân thương trong mỗi sáng tinh sương, người ta cảm thấy mình đang làm chủ nhịp điệu cuộc sống, cảm nhận vẻ đẹp của từng góc phố, hàng cây hiện diện dưới hình hài nguyên vẹn, chưa bị những ồn ào của nhịp sống đô thị tác động. Nhờ đó mà thấy yêu cuộc sống hơn, yêu Hà Nội của mình hơn.

Cung đường quen thuộc của người viết bài này là từ Ngã tư Vọng, qua cửa ô Kim Liên, qua Lê Duẩn với công viên Thống Nhất cùng con hồ Bảy Mẫu, rẽ vào hồ Thiền Quang rồi lên Hồ Gươm để từ đó đi qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân lên Quán Thánh, rẽ vào Nguyễn Biểu mà qua Hồ Trúc Bạch rồi ra đường Thanh Niên với bát ngát một vùng trời nước Hồ Tây…Vào thời điểm ấy, Hà Nội vẫn tinh khôi trong sớm mai.

Cư dân Hà Nội đạp xe mỗi sáng cũng đa dạng. Từ những người trẻ đạp thật sớm, để hơn 6 giờ là đã có thể về lo bổn phận đưa con đi học rồi đến nơi làm việc. Muộn hơn một chút là những người về hưu, thong thả đạp xe, nhẩn nha chuyện trò bên chén trà sớm. Lại có những đôi vợ chồng đã ở tuổi xưa nay hiếm sóng đôi trên cặp xe Peugeot cổ có tuổi đời gần bằng chủ của chúng mà ngắm mặt hồ trong sương. Nhiều nhóm, chỉ cuối tuần mới hẹn nhau đạp lên Hồ Tây mà tận hưởng một bầu không khí trong lành, ngắm mặt hồ mênh mang trong nắng sớm, ăn sáng uống cà phê chuyện gẫu đến non trưa…

Chỉ khi Hà Nội thật sự trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, với hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, không còn nạn kẹt xe, tắc đường, những chiếc xe đạp mới thực sự trở lại là phương tiện tiện lợi, ưa thích của người dân TP… Và khi ấy, hình ảnh đẹp đẽ về những cô gái đạp xe trên những con phố mùa Xuân mà nhạc sĩ Thanh Tùng đã ghi vào lòng người qua ca khúc tuyệt vời của ông lại trở về, làm Hà Nội của chúng ta thêm đẹp, thêm duyên.