Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bốn "nhà" cùng vào cuộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hơn 2 năm triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa, đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 40 mô hình điểm với tổng diện tích 8.000ha, đáp ứng được tiêu chí của quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2010 - 2016.

Tuy nhiên, để chương trình sản xuất lúa hàng hóa được ổn định và phát triển bền vững, sự tham gia của các "nhà" trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ là điều vô cùng cần thiết. 

Cải tạo cơ cấu giống 

Với hơn 900ha đất nông nghiệp, từ năm 2012, HTX Nông nghiệp xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ đã triển khai trồng lúa hàng hóa chất lượng cao trên diện tích 50ha và vụ xuân này là 100ha. Ông Trần Công Huấn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp cho biết, nhờ có cơ cấu giống mới nên đến nay, xã đã cơ bản thay thế được các giống lúa cũ, chất lượng thấp như Q5, Khang Dân. Hiện các giống lúa cũ chỉ còn chiếm 30%, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng gạo.

Bốn "nhà" cùng vào cuộc - Ảnh 1

Gạo chất lượng của Công ty CP Giống nông nghiệp Việt Nam

Vụ xuân 2013, Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng được 40 điểm mô hình, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 40 xã của 11 huyện ngoại thành với quy mô 4.400ha cho 30.002 hộ dân tham gia. Các giống lúa được lựa chọn đưa vào sản xuất gồm: Bắc Thơm số 7, T10, Nàng Xuân, Hương thơm số 1, Nếp Lang Liêu, Nếp vàng 1… Để hỗ trợ các HTX tham gia mô hình, Trung tâm phát triển cây trồng đã phối hợp với các xã, HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật đầu vụ tại 40 HTX cho 4.800 lượt cán bộ, nông dân tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức huấn luyện được 136 buổi cho 6.800 lượt cán bộ, nông dân về kỹ thuật lựa chọn giống, kỹ thuật ngâm, ủ, chăm sóc lúa sau cấy. Đến nay, đã có 6 DN tham gia cung ứng 286 tấn giống lúa, 3 DN cung ứng phân bón với số lượng 43.120 tấn phân bón các loại.

Việc cung ứng kịp thời nguồn giống, phân bón đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, triển khai đúng thời vụ. Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội cho biết: Với điều kiện thời tiết thuận lợi, mô hình dự kiến cho năng suất ước đạt từ 5,3 - 5,5 tấn/ha, sản lượng lúa hàng hóa đạt 23.760 tấn, giá trị sản xuất lúa hàng hóa ước đạt 230,760 tỷ đồng.

Xây dựng thương hiệu “gạo Thủ đô”

Khác với các vụ trước, khi chương trình sản xuất lúa hàng hóa ở Hà Nội còn manh nha, nhỏ lẻ thì vụ xuân này, Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện các cánh đồng mẫu lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hóa. Hiện tại ở các huyện đã có nhiều cánh đồng mẫu lớn với diện tích 100ha, thậm chí lên tới 150 - 200ha như ở HTX Mai Đình (Sóc Sơn), HTX Thanh Văn, Bình Minh (Thanh Oai), HTX Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa)… Cùng với nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô, sản phẩm gạo hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội đang có vị thế trên thị trường.

Theo ông Bùi Ngọc Cường, Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Việt Nam, hiện các DN chế biến đang rất khó tiếp cận được với loại gạo Bắc Thơm bởi chủng loại gạo này ngon, dễ tiêu thụ. Do vậy, hầu hết các DN đều phải mua với giá rất cao hoặc không có hàng để mua do các thương lái gom hàng. Để Hà Nội có sản phẩm gạo hàng hóa đúng như mục tiêu của Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao mà TP đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần tiếp tục xây dựng, quy hoạch vùng chuyên canh trồng lúa chất lượng cao với quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của DN. Bên cạnh đó, theo ông Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Gống cây trồng Việt Nam: "Hà Nội cần làm rõ, xây dựng được rõ ràng thương hiệu "Gạo Thủ đô", vì hầu hết các giống lúa đang thịnh hành đều từ các địa phương khác". Ông Quốc cho rằng, Hà Nội phải xây dựng cho được 2 giống lúa theo thương hiệu của mình là 1 giống nếp, 1 giống thuần bằng cách đặt hàng các nhà khoa học...

Do vậy, cần phải xây dựng một chính sách cho chương trình sản xuất lúa hàng hóa mới giúp nền nông nghiệp Thủ đô phát triển lâu dài, có sức cạnh tranh cao nhằm nâng cao đời sống nông dân. Đó là ý kiến của ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị.