Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá không phải là… cái chợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây không lâu, người ta không khỏi chạnh lòng khi Cà Mau - đội bóng mới thăng hạng Nhất nộp đơn xin bỏ giải. Nhưng sau đó, đội bóng này lại gửi đơn xin "sống lại" bởi đã tìm được tiền hoạt động.

Mọi việc chẳng hề đơn giản khi mà lãnh đạo VFF đã phải chạy đôn chạy đáo mời gọi đội Bình Định chấp nhận thế chỗ Cà Mau dự giải hạng Nhất mùa tới.

Chơi - nghỉ theo cảm hứng

Khi tuyên bố bỏ giải, lãnh đạo đội Cà Mau chỉ gửi một công văn nói ngắn gọn là không đủ tiền dự giải, còn khi đã có được đối tác mới thì họ lại thiết tha được lấy lại quyền thăng hạng Nhất. Vấn đề ở chỗ, cách hành xử chẳng giống ai của ban lãnh đạo đội Cà Mau khiến dư luận mường tượng sân chơi bóng đá chẳng có luật lệ gì cả. Khi không có tiền, người ta sẵn sàng bỏ giải. Còn khi cảm thấy hứng thú, một đội bóng nhanh chóng được thành lập và đòi hỏi quyền lợi mà mình đã tự chối bỏ.
 Cầu thủ đội Cà Mau (trái) trong một trận đấu.
Cầu thủ đội Cà Mau (trái) trong một trận đấu.
Sự thay đổi như chong chóng của Cà Mau khiến VFF, VPF chóng mày chóng mặt. Bởi lẽ, họ phải họp bàn xử lý việc Cà Mau bỏ giải thì nay lại phải ngồi lại để ứng xử với công văn xin trở lại của đội bóng này. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như VFF chưa mời Bình Định tham dự hạng Nhất thay cho Cà Mau. Đội bóng đất Võ thậm chí đã tập trung để chuẩn bị cho giải hạng Nhất mùa tới. Họ đã chiêu mộ một loạt cầu thủ để đá giải cho ra trò. Nền tảng tài chính cho sân chơi mới cũng đã được ban lãnh đạo đội bóng này lo liệu. Chi phí bỏ ra cho việc chuẩn bị nhân sự, kế hoạch tập huấn cho mùa giải mới không hề nhỏ. Bây giờ, nếu VFF chấp thuận để Cà Mau được trở lại thì mọi kế hoạch của Bình Định sẽ đổ bể. Thiệt hại về tài chính là không hề nhỏ.

Phải tôn trọng luật chơi

Đúng là bóng đá Việt Nam vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp. Sức hấp dẫn của sân chơi với cộng đồng cũng chưa lớn. Bản thân các đội bóng vẫn chưa tìm kiếm được nguồn tài chính thông qua hoạt động bóng đá. Sự tồn tại của họ phụ thuộc rất lớn vào đơn vị tài trợ cũng như quan tâm từ lãnh đạo địa phương. Cũng vì điều này mà các đội bóng có phần bị động trong định hướng phát triển. Thế nhưng, không phải vì thế mà họ được ứng xử một cách thiếu chuyên nghiệp với luật chơi chung.

Có thể, VFF sẽ rất đau đầu để giải quyết lá đơn xin trở lại của Cà Mau. Đồng ý với Cà Mau thì họ có lỗi, thậm chí gây tổn hại về tài chính cho Bình Định. Nhưng nếu không đồng ý với Cà Mau, VFF sẽ nhận rất nhiều áp lực từ dư luận khi cố tình làm khó cho đội bóng "có tâm". Mà VFF cũng không thể sửa luật để tạo suất dự hạng Nhất cho cả Bình Định và Cà Mau.

Có cảm giác, làng bóng đá coi các giải đấu như cái chợ. Thích thì đến, không thích thì nghỉ. Chẳng thế mà đội Ninh Bình đã nghỉ chơi hơn một năm bỗng chốc lãnh đạo đăng đàn đòi dự V.League. Khi các đội bóng này nghỉ, họ không hỏi ý kiến VFF, cũng chẳng thèm quan tâm đến tác động tiêu cực cho giải đấu. Nhưng khi có hứng chơi bóng, họ đòi VFF phải chiều lòng. Vậy nên, để xác lập những giá trị căn bản và bền vững cho sân chơi, thiết nghĩ VFF cần phải biết nói không với đòi hỏi không chuyên nghiệp. Bởi một khi VFF không dám đối diện với áp lực từ thành viên thì lối ứng xử tùy hứng qua cầu sẽ còn tiếp diễn.