Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá và nỗi ám ảnh lên hạng

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải hạng Nhất quốc gia lúc này đang có 7 đội bóng tham dự.

Việc các đội bóng lần lượt bỏ cuộc chơi khiến giải đấu ngày càng bị teo tóp và giờ nó có quy mô nhỏ nhất từ trước đến nay. Có 7 đội bóng nhưng lại sở hữu một tấm vé thăng hạng V.League nên cơ hội dành cho các đội bóng là rất lớn. Vậy nhưng, càng đến cuối giải người ta lại phải chứng kiến cuộc đua chống... lên hạng.

Ngóng nhau mà đá

Trong giai đoạn đầu, Viettel với thực lực của mình đang nhanh chóng vượt lên phía trước. Việc đội bóng này dẫn đầu cuộc đua không phải là điều quá bất ngờ. Họ có một đội ngũ trẻ trung, nhuần nhuyễn trong lối chơi với những cầu thủ từng sát cánh bên nhau từ nhỏ. Đó là chưa kể đến việc, gần một nửa đội hình chính của đội bóng này thuộc biên chế ĐT U20, ĐTQG. Xét về đẳng cấp, tiền bạc và sự ủng hộ, không đội bóng nào có thể so sánh với Viettel. Và sự nhập cuộc tự tin của họ khiến những người yêu mến khấp khởi mừng thầm về một giấc mơ tái sinh đội bóng giàu truyền thống nhất Việt Nam là Thể Công.

Các cầu thủ Viettel (trái) trong một trận đấu tại giải U19 quốc gia.

Viettel băng lên phía trước và đứng sau họ là Huế, một đội bóng có lối chơi rất quyết liệt và gắn kết. Ngựa ô của giải hạng Nhất từng làm nản lòng nhiều đội bóng và liên tục ngự ở nhóm đầu. Và đến giữa mùa giải, họ đã bứt lên phía trước khi Viettel đang có dấu hiệu chững lại. Thế nhưng, thật bất ngờ, khi giải đấu đi được 2/3 chặng đường, người ta lại thấy ngôi đầu đổi chủ. Đầu tiên là Bình Phước, một đội bóng lâu nay hạnh phúc với vị trí trụ hạng bất ngờ chen ngang. Và đến giờ, đến lượt Nam Định sau hai chiến thắng liên tiếp đã trở thành người dẫn đầu cuộc đua.

Tất nhiên, sự thăng tiến của các hiện tượng có phần do Viettel, Huế bất ngờ phanh gấp. Từ một đội bóng đá đâu thăng đó, 5 trận đấu vừa qua, Viettel chưa biết nếm mùi chiến thắng. Họ vẫn đá tốt, kiểm soát lối chơi và lấn lướt so với đối thủ nhưng lại không thể ghi bàn. Với việc chỉ hòa và thua, Viettel đã nhường cơ hội cho các đối thủ vốn bị cho là không mặn mà, hoặc chưa có kế hoạch thăng hạng.

Sau niềm vui là gánh nặng

Nhiều người am hiểu tình hình thì khẳng định, Viettel hay nhiều đội bóng khác chưa sẵn sàng với việc lên chơi ở V.League. Bởi nếu thực sự tham vọng, đội bóng này đã dấn ga ở mùa giải trước. Lý do khiến họ chưa mặn mà vợi việc sở hữu tấm vé lên thiên đường là bởi, lực lượng của đội đa phần là những cầu thủ trẻ. Dù lò Viettel nổi tiếng về đào tạo nhưng họ vẫn chưa thể cung cấp được những cầu thủ chất lượng đủ sức cạnh tranh một cách sòng phẳng với những đại gia ở sân chơi lớn. Vì thế, Viettel phải tính toán giữa việc tiếp tục chờ thời, giúp các cầu thủ trui rèn bản lĩnh trận mạc ở giải hạng Nhất hay lên V.League để gồng mình trụ hạng.

Là một đội bóng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh, Viettel phải tính đến sự thắng thua ở chặng đường dài. Cũng vì điều này mà nhiều người cho rằng, phải đến mùa giải tới khi các ngôi sao U20 bước vào độ chín về sự nghiệp thì Viettel mới thật sự tham vọng trong cuộc đua thăng hạng. Và câu chuyện của Viettel cũng là nỗi niềm với nhiều đội bóng. Họ không dám dấn ga bởi nỗi ám ảnh lên hạng rồi phải chống xuống hạng.

Nhiều nhà cầm quân, nhiều đội bóng từng nuôi quan điểm, cứ thăng hạng rồi tính. Có những đội bóng đã vượt qua thách thức thành công khi tận dụng tốt cơ hội thăng hạng để đổi đời. Thế nhưng, không ít đội bóng lại canh cánh với nỗi lo, tiền đâu để duy trì đội bóng tại V.League. Nhắc đến điều này bởi, không ít đội bóng hạng Nhất đã phải giải thể vì không đủ ngân sách hoạt động thời gian gần đây. Đó là chưa kể đến việc, lên chơi ở V.League, kinh phí phải huy động lớn gấp nhiều lần tại giải hạng Nhất. Với những đội bóng vốn gắn liền với địa phương, không có DN chống lưng thì việc huy động hàng chục tỷ đồng khó như chuyện tìm đường lên trời. Vì thế, họ chấp nhận thua trong kế hoạch, nhường niềm hạnh phúc cho đối thủ cũng vì không thể tìm được lời giải cho bài toán “đầu tiên” khi lên chơi tại V.League.