Kinhtedothi - 2014 là năm có nhiều xúc cảm nhưng chưa trọn vẹn của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu ứng từ những gì đã có hứa hẹn sẽ mang đến sự thay đổi triệt để cho bóng đá nước nhà. Chiến lược trẻ hóa đã được phác thảo ở cấp ĐTQG. Ở bình diện CLB, xu thế phát triển ổn định, coi trọng những giá trị cốt lõi, bền vững đang thắng thế.
Bắt đầu một lộ trình dài
Có thể nói, một trong những điểm sáng nhất của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua chính là màn trình làng đầy ấn tượng của các cầu thủ trẻ U19 Việt Nam. Sự kết hợp giữa những cầu thủ trẻ được đào tạo bởi công nghệ Arsenal và nhân tài được tuyển lựa khắp nước đã mang đến một đội bóng quyến rũ và hứa hẹn tương lai tương sáng.
Thế nên, khi thế hệ các cầu thủ kì cựu không thể mang vinh quang cho Tổ quốc, dư luận đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng về nhân sự ở cấp ĐTQG. Bóng đá Việt Nam phải bồi dưỡng một lứa cầu thủ mới trong sáng hơn, bài bản và bản lĩnh hơn. Và, ngay lập tức người ta nhớ đến các cầu thủ nay mới 19, 20 tuổi vừa mới tỏa sáng ở sân chơi trẻ.
Bóng đá Việt Nam đặt niềm tin lớn vào lứa cầu thủ U19.
|
VFF đã trao sứ mệnh lịch sử cho các cầu thủ U19 Việt Nam tại SEA Games 28 được tổ chức vào tháng 6 tới đây. Theo đó, các cầu thủ trẻ sẽ đảm trách sứ mệnh của U23 QG tại đấu trường khu vực. VFF cho đây là tiền đề cần thiết để xây dựng một đội tuyển mạnh và bền vững về thành tích trong vài ba năm tới. Trước những mối băn khoăn về việc đưa các cầu thủ trẻ tham dự giải đấu khu vực có thể dẫn đến thất bại, các nhà quản lí bóng đá khẳng định sẽ không đặt ra áp lực về thành tích. Hay nói cách khác, dự SEA Games 2015 là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tham vọng vô địch SEA Games 2017 và AFF Cup 2018.
Việc trẻ hóa, xây dựng một lứa cầu thủ mới trẻ trung, khát vọng và chuyên môn là yêu cầu sống còn của bóng đá Việt Nam. Sau một thời gian dài đắm chìm trong thất bại triền miên, chúng ta nhận ra rằng, các ĐTQG đang thiếu chiều sâu về lực lượng. Không thể đặt lên vai những cầu thủ đã đi đến giới hạn cuối cùng về khả năng hoàn thành những tham vọng mới và rất lớn. Nhìn ra Đông Nam Á, thấy giật mình vì chỉ có ĐTQG Việt Nam là không có nhiều sự chuyển biến, làm mới về đội ngũ cầu thủ.
Có một V-League bền vững
V-League đã có những biến động không ngừng thời gian vừa qua. Hàng loạt đội bóng bị giải thể. Mức đầu tư cho bóng đá liên tục bị cắt giảm. Nhà tài trợ tìm cách thoái lui bỏ mặc các đội bóng phải oằn mình kiếm tiền trang trải. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng toàn diện mà chúng ta từng chứng kiến lại có ích cho tương lai nền bóng đá. Sau một thời gian phát triển nóng với những giá trị ảo, V-League đã trở lại với đúng hình ảnh thật của nó.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, VFF và các CLB đã thống nhất mức tài chính tối thiểu để duy trì hoạt động là 35 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, bầu Đức của HA.GL lại cho rằng, ông chỉ cần 15 - 18 tỷ đồng để duy trì đội bóng. Cái sự lệch pha trong cách chi tiêu của các đội bóng ở V-League cho thấy những cấn cá, những mảng tối mà lâu nay chúng ta không chịu đề cập. Thế nhưng, cuộc cách mạng về chi tiêu của bầu Đức và nhiều đội bóng khác đã mang đến những thay đổi quan trọng về tư duy làm bóng đá. Rằng, giờ là lúc các đội bóng phải nghĩ đến chuyện chi tiêu một cách thực chất nếu không muốn bị cơn bão khủng hoảng thổi bay.
Cắt giảm chi tiêu giúp các đội bóng qua được giai đoạn gian khó. Nhưng để ổn định, họ cần một con đường, một mô hình phù hợp với xu thế hiện tại. Sự biến chuyển của hàng loạt đội bóng với mô hình nhà nước và doanh nghiệp cùng làm bóng đang mang đến những nhận thức khác về bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Thay vì phó mặc cho các ông bầu, mô hình đội bóng nhiều chủ sở hữu, trong đó, có vai trò rất lớn của địa phương đang được cho là cứu cánh của nền bóng đá. Và, sau hơn một chục năm phát triển thiếu định hướng, V-League 2015 chứng kiến sự chuyển mình theo hướng tích cực của các đội bóng.