Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá Việt thời khủng hoảng: Mỡ nó, rán nó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có một thời, chiêu mộ các ngôi sao là thú vui, niềm tự hào của các ông chủ. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng, bán ngôi sao lấy tiền đang là cứu cánh của nhiều đội bóng.

Bán tống, bán tháo

Đó là trường hợp của CLB Hà Nội. Sau khi khai tử hai đội bóng, nhiệm vụ của lãnh đạo CLB là phải bán xong hàng chục cầu thủ. Tiếng là không muốn để cầu thủ lâm vào cảnh thất nghiệp, nhưng thực ra thì, CLB này muốn có thêm chút “lương khô” để sống qua những ngày gian khó sắp tới. Hiện, CLB của bầu Kiên còn giữ lại hai đội trẻ là U19 và U21.

Các tuyển trẻ khác đã được trả về Sở VHTT&DL hoặc giải tán. Để duy trì hai đội bóng còn lại đòi hỏi phải có tiền. Giờ thì khó có thể trông đợi nguồn tiền từ bầu Kiên cũng như các đối tác truyền thống.
 
 
Bóng đá Việt thời khủng hoảng:  Mỡ nó, rán nó - Ảnh 1
Dù đã hạ giá xuống rất thấp nhưng CLB Hà Nội vẫn khó bán Công Vinh.

Thế nên, mệnh lệnh đặt ra với bộ phận điều hành là phải kiếm được thật nhiều tiền từ những bản hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ. Sau Thành Lương, trung vệ người Thanh Hóa Nguyễn Đại Đồng đã được bán cho Hà Nội T&T. Hàng loạt cầu thủ khác cũng sẵn sàng nhận lệnh lên đường nếu tìm được CLB tiếp nhận. Cái khó của Hà Nội là họ phải bán cầu thủ trong cơn đại khủng hoảng nên không thể được giá cao.

Điển hình như trường hợp của Công Vinh, lãnh đạo đội bóng đã hạ giá từ 5 tỷ đồng xuống 2 tỷ đồng nhưng vẫn không có đối tác nào đoái hoài. Không ít cầu thủ khác được đánh tiếng cho mượn, hoặc bán với cái giá rẻ như bèo nhưng chẳng thể kiếm được đầu ra...

Muốn sống...  phải bán người

Sài Gòn Xuân Thành là đội bóng từng khuynh đảo thị trường chuyển nhượng trong vài năm qua. Sau khi tái cơ cấu thành công đội Navibank Sài Gòn, quân số của Sài Gòn Xuân Thành đã lên đến 50 người.

Nội việc trả lương cho các ngôi sao này đã là một vấn đề quá sức với lãnh đạo đội bóng trong hoàn cảnh khó khăn. Chưa hết, bầu Thụy hứa cho đội bóng 25 tỷ đồng nhưng đến nay, khoản tiền đó vẫn nằm trên giấy.

Để có tiền, Giám đốc điều hành Trần Tiến Đại phải thực hiện giải pháp, "mỡ nó rán nó". Có nghĩa là ông bán dần các ngôi sao, bán các cầu thủ không nằm trong chiến lược sử dụng của mình để lấy tiền chi trả cho đội bóng. Nhưng hiềm một nỗi, khoản tiền từ chuyển nhượng cầu thủ cũng chỉ như "gió vào nhà trống".

Và giờ, để tồn tại, ông Đại sẵn sàng bán những ngôi sao sáng nhất trong đội hình. Minh Đức được đề nghị gán cho Đồng Nai. Quang Hải bán cho Hải Phòng. Phước Tứ được dành cho Quảng Nam.Cái khó của ông Đại là lúc này, tìm được những đội bóng sẵn sàng trả số tiền cao là cực khó.

Hơn thế nữa, cái tiếng không được tốt của nhà môi giới này cũng khiến các đội bóng chùn chân. Chấp nhận bán rẻ cầu thủ thì lãnh đạo đội bóng sẽ có ý kiến. Mà, giữa muôn trùng vây, ông Đại buộc phải kiếm tiền để nuôi quân trong khi bầu Thụy, người chịu trách nhiệm cao nhất ở đội bóng vẫn tiếp tục "đánh trống bỏ dùi".

Bóng đá Việt Nam đang ở tận cùng sự khủng hoảng. Và không khéo, khi mùa giải mới bắt đầu, cả trăm cầu thủ sẽ không tìm được bến đậu, đành phải chấp nhận cảnh thất nghiệp. Không loại trừ khả năng, sẽ tiếp tục có những đội bóng bỏ cuộc chơi và giải đấu sẽ bị xáo trộn.