Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá Việt tránh bão

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn bão số 10 với sức gió mạnh nhất gần tâm bão tăng lên cấp 12 - 13, giật cấp 15 tràn vào các tỉnh miền Trung khiến một số trận đấu phải hoãn lại.

Bão thiên nhiên khiến sân chơi bị xáo trộn. Nhưng, cơn bão nơi hậu trường, cùng làn sóng chỉ trích vốn được thúc đẩy bởi những toan tính cá nhân có thể khiến đời sống bóng đá bị chao đảo, thậm chí mất phương hướng.

Chưa hết nhiệm kỳ đã toan Đại hội

Thất bại tại SEA Games của U22 Việt Nam đang được đẩy lên thành bi kịch của nền bóng đá. Thất bại của đội bóng trẻ phủi sạch những thành công của bóng đá Việt Nam suốt những năm qua. Bất luận việc trong thời gian gần đây, bóng đá nước nhà đã có được những thành tích trước nay chưa bao giờ có, đó là 2 đội tuyển giành vé đi World Cup. Các đội tuyển trẻ thi đấu thành công ở giải đấu khu vực và châu lục. ĐT nữ vào đến bán kết ASIAD và vô địch SEA Games sau 8 năm chờ đợi. ĐT U23 hai lần giành vé đến VCK châu Á.
 Các cầu thủ U22 Việt Nam trong một buổi tập luyện.
Thành tích trên đấu trường quốc tế được cải thiện. Thương quyền của ĐTQG, các giải đấu trong nước được tăng lên. Làn sóng đào thoát khỏi bóng đá của các DN được chặn đứng và sân chơi dần đi vào ổn định sau những năm tháng tan rã một cách có hệ thống.

Từng ấy thành tích không được tính đến, hoặc cố tình bị lờ đi sau thất bại của một đội bóng trẻ khác là U22 Việt Nam. Điều đáng nói là vì thất bại của đội bóng này mà người ta lớn tiếng kêu gọi phải tổ chức Đại hội bất thường VFF, yêu cầu bộ máy điều hành hiện tại phải từ chức để nhường chỗ cho một đội ngũ khác có tâm, có tầm hơn. Chỉ có điều, khi phán bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng, nhóm doanh nhân, nhà báo vốn đang lớn tiếng đòi lật đổ VFF lại không chỉ ra được tôn chỉ mục đích của cuộc cách mạng mà mình đang theo đuổi. Chưa hết, họ cũng không thể giới thiệu những gương mặt khả dĩ có thể chèo lái con thuyền bóng đá vượt khó. Nghe đâu, những người đang được chọn mặt gửi vàng là một số quan chức về hưu, hoặc sắp về hưu.

Đừng nói, hãy hành động

Trước những ì xèo và cả những toan tính trong làng bóng đá, đại diện các đội bóng thể hiện sự bất bình. Họ không muốn sân chơi bị lái sang một hướng khác và ngôi nhà bóng đá bị thao túng bởi những "thuyết âm mưu". Vị phó tướng của bầu Đức, người đang được mượn làm cái cớ để ép VFF phải tổ chức đại hội bất thường là Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh đã phát biểu rằng "hành động lúc này quan trọng hơn cả".

Người được cho là cánh tay phải của bầu Đức đã bất ngờ lên tiếng bằng tuyên bố: "Xây mới khó, đạp đổ thì dễ... Chúng ta nên học triết lý sống và cách ứng xử của cha ông ta xưa. Đừng vì một thất bại mà nản chí đổ lỗi, chỉ trích lẫn nhau. Cái cần nhất bây giờ là sự đồng lòng, đoàn kết của không chỉ nội bộ VFF mà cả sự ủng hộ của các CLB, cầu thủ, trọng tài... mà đặc biệt là người hâm mộ bóng đá nước nhà".

Việc đại diện của HAGL lên tiếng đúng thời điểm nền bóng đá có nhiều sóng gió cho thấy, quan điểm không ủng hộ hành động làm bất ổn cuộc chơi. Nó chấm dứt luôn ý định lợi dụng bầu Đức cho những toan tính nơi hậu trường. Và không chỉ có HAGL, Chủ tịch Hà Nội FC Nguyễn Quốc Hội cũng tuyên bố chắc nịch: "Phê phán thì dễ thôi. Nhưng cái mà bóng đá Việt Nam cần là hiến kế chứ không phải là mưu đồ chỉ trích, bôi nhọ lẫn nhau. Muốn bóng đá phát triển cần sự chung tay gánh vác của toàn bộ nền bóng đá chứ không thể phó thác cho một mình VFF".

Bóng đá là môn thể thao vua nên nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Thậm chí, những cuộc cạnh tranh nảy lửa cũng thường xuyên xảy ra. Nhưng, dù có thế nào thì sân chơi này vẫn phải lăn theo quỹ đạo của nó. Ở đó, không có chỗ cho những toan tính cá nhân và cái chung luôn là mục tiêu tối thượng.