Thực phẩm tăng giá trên toàn thế giới
Giá cả các loại thịt, sản phẩm sữa và ngũ cốc trên toàn cầu tiếp tục tăng trong tháng vừa qua, theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra tuần qua. Các nước đang phát triển - bao gồm cả Việt Nam - có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.
Giá lương thực đang tăng cao một cách đáng sợ. Hạn hán tại Mỹ và Nga làm cho giá các mặt hàng lương thực như bắp, lúa mì tăng 25% và đậu nành tăng 17%. Các chuyên gia thuộc FAO cho rằng ít có khả năng giá lương thực trở về bình thường trong thời gian ngắn sắp tới.
Cơ quan này cho biết giá cả tăng trung bình 1,4% trong tháng Chín, trong khi đã khá ổn định tháng Bảy và tháng Tám. Báo cáo cho biết, nắng nóng và hạn hán ở Hoa Kỳ, Nga và châu Âu đã làm sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, đẩy giá ngô và đậu tương lên cao kỷ lục.
Các sản phẩm sữa tăng giá cao nhất, 7% trong tháng Chín, mức tăng “chóng mặt” nhất kể từ tháng 1.2011. Giá thức ăn chăn nuôi cao hơn đã đẩy giá thịt tăng 2,1%, đặc biệt là thịt lợn và gia cầm - báo cáo cho biết thêm.
Giá ngũ cốc tăng 1%, cơ quan này cũng dự báo một sự suy giảm mạnh trong sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm nay.
Theo FAO, nhu cầu lương thực của thế giới tăng cao vượt qua cung trong khi lương thực dự trữ thế giới xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974. Nếu lượng lương thực dự trữ trước đây có thể nuôi sống thế giới trong 107 ngày thì nay giảm xuống chỉ còn 74 ngày. Giá lúa mì và lúa mạch hiện cao gần bằng mức gây nên các vụ bạo động tại 25 nước vào năm 2008.
Ngoài vấn đề thiên tai như hạn hán, lũ lụt, sự thiếu đa dạng các loại cây lương thực cũng như sử dụng không hiệu quả đất trồng, nước tưới cùng với nhiều khu vực xảy ra giao tranh xung đột càng làm cho sản lượng lương thực giảm. Ngoài ra, việc sử dụng lương thực cho các mục đích khác như dùng bắp để sản xuất nhiên liệu sinh học hay làm thức ăn gia súc cũng được xem là nguyên nhân gây thiếu lương thực.
Giá lương thực tăng có ảnh hưởng mạnh đến người nghèo
Theo thống kê của FAO, hiện thế giới còn khoảng 870 triệu người đói. Trong khi số người đói ở Mỹ và Mỹ Latinh giảm thì số người đói ở vùng hạ Sahara, châu Phi gia tăng.
Tại các quốc gia thu nhập cao như Mỹ và Tây Âu, giá lương thực tăng cao đột ngột tạo ra nhiều thách thức, buộc các gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi chi tiêu. Đối với với người tiêu dùng tại các quốc gia phát triển thì giá cả thực phẩm leo tháng chính là một gánh nặng, tuy nhiên đó là một gánh nặng có thể kiểm soát. Lý do là người Mỹ chi khoảng 10% trong tổng thu nhập sau thuế của họ vào việc mua sắm thức ăn hàng ngày. Theo khảo sát của Gallup thì hiện các gia đình Mỹ giảm 1/3 chi tiêu thực phẩm so với năm 1969.
Tại các nước thu nhập thấp, giá lương thực tăng gây ra những khó khăn vô cùng lớn, buộc người dân phải đưa ra những quyết định sống còn, bởi thường thì mọi người sẽ tiêu đến một nửa thu nhập của mình vào những thực phẩm thiết yếu. Tại các nước nghèo, giá thực phẩm trở thành yếu tố quan trọng nhất đối với đời sống kinh tế của con người. Giá lương thực tăng cao cũng có thể gây bất ổn xã hội như từng xảy ra trong những năm gần đây, gây áp lực cho ngân sách quốc gia phải trợ giá lương thực.
Oxfam, một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Nhóm Viện trợ Quốc tế cũng công bố một báo cáo hôm thứ Năm, nói rằng giá lương thực tăng cao đã dẫn đến một cơn sốt đất đai trên toàn cầu, phá hoại các quyền lợi và kế sinh nhai của người nghèo là những người dễ bị tổn thương bởi giá thực phẩm nhất.
Báo cáo của Oxfam cho biết rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ rất nhiều tiền vào việc mua đất nông nghiệp ở các nước đang phát triển trong những năm gần đây. Các nước này đang có nạn đói nghiêm trọng, nhưng hầu hết các nhà đầu tư lại có kế hoạch sử dụng đất để sản xuất cho xuất khẩu, không phải tiêu dùng nội địa. Nguy cơ về nạn đói đang dần hiển hiện từ thực trạng này.
Bóng ma khủng hoảng giá lương thực năm 2008 sẽ quay lại?
Theo tạp chí Chính sách đối ngoại (Mỹ), trong bối cảnh này, các quốc gia không nên làm tình hình xấu hơn bằng các chính sách chỉ phục vụ lợi ích của riêng mình khi đương đầu với một cuộc khủng hoảng lương thực.
Trong bối cảnh giá lương thực tăng nhanh, người đứng đầu chính phủ các nước thường đối mặt với các quyết định quan trọng: Làm thế nào để ổn định hoặc đảo ngược giá lương thực đột ngột tăng? Làm thế nào để phản ứng trước nhu cầu cấp bách của người dân khi giá tăng cao và thiếu hụt lương thực? Phản ứng trước nhu cầu tăng cao, chính phủ ở một số quốc gia xuất khẩu trước đây thường áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực sản xuất trong nước.
Các biện pháp này được thực hiện dưới nhiều hình thức như đưa ra hạn ngạch xuất khẩu, đánh thuế xuất khẩu cao, như trường hợp Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu ngũ cốc và Ấn Độ ngừng xuất khẩu lúa mỳ năm 2007.
Xét góc độ toàn cầu, việc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của những nhà xuất khẩu chính sẽ gây nguy hại về an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác. Viện Nghiên cứu và Chính sách Lương thực quốc tế cho biết việc hạn chế xuất khẩu của một số quốc gia trong cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007- 08 đã góp phần làm tăng hơn 60% giá gạo toàn cầu.
Lạm phát giá lương thực khiến các quốc gia thiếu lương thực hoảng loạn mua thêm và đẩy mạnh tích trữ các sản phẩm lương thực, khiến tình hình trầm trọng hơn. Nói rộng hơn, hậu quả của các chính sách hạn chế xuất khẩu, mua và tích trữ lương thực như vậy có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng về giá lương thực, tác động đến an ninh toàn cầu.
Theo ông Lester Brown, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Trái đất, thời tiết ngày càng phức tạp khó lường, trong khi nhu cầu về thực phẩm tăng mạnh đến mức có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng bất cứ lúc nào. Ông cũng cảnh báo: “Thiếu lương thực từng hủy hoại nhiều nền văn minh trước đây. Chúng ta đang trên con đường ấy. Mỗi quốc gia giờ đây chỉ lo cho nước mình”.
Tổ chức từ thiện Oxfam cho biết giá lương thực tăng cao có thể khiến hàng triệu người trên toàn thế giới bị đói và suy dinh dưỡng, không bao gồm gần 1 tỷ người đang ở bờ vực của cái đói hiện nay. Phát ngôn viên của tổ chức Oxfam, ông Colin Roche, nói giá lương thực tăng cao không chỉ do mùa vụ thu hoạch kém bởi hạn hán ở Mỹ và các nơi khác mà cơ chế lương thực thiếu tính linh hoạt là nguyên nhân quan trọng. Các chính phủ cần hỗ trợ những nông dân canh tác quy mô nhỏ, xem xét lại chính sách nhiên liệu sinh học, nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trừ khi có các biện pháp thay đổi canh tác cũng như quy định về giao dịch lương thực, còn không thế giới sẽ gặp khủng hoảng lương thực trong vòng một hoặc hai năm nữa.
Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), vào năm 2050, sản lượng lương thực toàn cầu phải tăng tới 70% so với thời điểm hiện tại mới có thể nuôi sống được dân số thế giới dự kiến tăng lên 9 tỷ người.