Giá dầu giảm sâu xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng trong phiên này sau khi lao dốc mạnh trong ngày 16/3 trong bối cảnh thị trường chịu áp lực từ sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, cùng với việc nguồn cung có thể dư thừa khi Ả Rập Saudi thông báo sẽ tăng sản lượng lên mức kỷ lục từ tháng 4 tới.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt hơn 0,5% xuống còn 29,91 USD/thùng mặc dù đầu phiên đã phục hồi lên 31,25 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng đảo ngược mức tăng 4,7% ở đầu phiên, hiện được giao dịch ở mức 29,04 USD/thùng.
Đà phục hồi của giá “vàng đen” ở đầu phiên không được duy trì do các thương nhân gia tăng lo ngại nhu cầu dầu mỏ suy yếu do kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái vì sự lây lan của dịch Covid-19.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/3 cảnh báo nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sắp suy thoái khi hoạt động kinh tế trên toàn cầu chậm lại và chứng khoán lao dốc mạnh.
Stephen Innes - nhà phân tích trưởng tại AxiCorp, nhận xét: “Mỹ cho biết họ sẽ tận dụng thời điểm giá dầu ở mức thấp để tăng nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình, một số nước và các DN cũng có kế hoạch tương tự để bổ sung nguồn dự trữ. Tuy nhiên, những cơ sở lưu trữ của Mỹ và các quốc gia đang được lấp đầy”.
“Nếu các nước không tiếp tục đẩy mạnh việc mua dầu mỏ bổ sung cho nguồn dự trữ quốc gia, giá dầu thế giới chắc chắn sẽ tiếp tục lao dốc, và thị trường năng lượng chỉ còn hy vọng vào việc Ả Rập Saudi và Nga sẽ quay lại đàm phán về việc cắt giảm nguồn cung” - nhà phân tích Innes lưu ý.
Trong bối cảnh nhu cầu đối với dầu mỏ sụt giảm mạnh do sự bùng phát của dịch Covid-19, Ả Rập Saudi và Nga không nhất trí việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường.
Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Ả Rập Saudi tuần trước thông báo họ có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh sản lượng dầu trong tháng 4 và tháng 5.
Tuy nhiên, nhà phân tích hàng hóa Edward Moya của Oanda cho rằng không có nhiều kỳ vọng Nga và Ả Rập Saudi sẽ thỏa hiệp trừ khi giá dầu sụt về ngưỡng 15 USD/thùng. “Nếu giá dầu giảm xuống dưới mức 20 USD, Ả Rập Saudi có thể quyết định quay lại bàn đàm phán, song có lẽ chỉ với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), chứ không phải Nga”, ông Moya nói thêm.
Trong khi đó, Mỹ, Canada và nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á đã hạn chế tối đa việc đi lại của người dân để tránh lây lan dịch Covid-19, làm tê liệt nghiêm trọng nhu cầu đối với các sản phẩm thô và tinh chế bao gồm xăng và nhiên liệu máy bay.
Mức tiêu thụ xăng ở Mỹ, nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, đã giảm tới 95% trong ngày 16/3.
Tại châu Á, mức tiêu thụ mặt hàng xăng dầu cũng giảm mạnh sau khi nhiều quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại và nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.