Thẩm phán liên bang Braizil Sergio Moro hôm 28/3 tuyên bố, Odebrecht SA đã hối lộ hơn 200 chính trị gia thuộc 24 đảng khác nhau, trong đó có cả đảng Lao động (PT) cầm quyền và các đảng đối lập, để thắng thầu trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm sân vận động Arena ở TP Sao Paolo, một sân bay ở bang Goiania và một kênh đào ở miền Nam Brazil.
Đây không phải lần đầu tiên những bê bối của các tập đoàn hàng đầu Brazil bị vỡ lở với sự dính líu của hàng trăm giới chức cấp cao. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil trở nên trầm trọng từ năm ngoái, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Petrobras, khiến gần 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang thuộc diện bị điều tra. Những phương thức của các vụ bê bối tương tự nhau. Theo đó, những nhà lãnh đạo hàng đầu Brazil liên thủ với các DN lớn thông qua mạng lưới rửa tiền khổng lồ để bòn rút các khoản quỹ lớn nhằm củng cố vị thế chính trị. Các DN ngược lại nhận được sự bảo trợ từ chính quyền để khơi thông các dự án, bôi trơn các hoạt động. Vụ việc này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh đảng PT cầm quyền và uy tín của Tổng thống Dilma Rousseff. Hiện Tổng thống Rousseff đang đối mặt với nguy cơ bị phế truất lớn hơn bao giờ khi phe đối lập trong nhiều tháng qua liên tục gây áp lực đòi đưa bà ra xét xử tại một phiên tòa chính trị để bãi nhiệm trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2018. Bên cạnh đó, trong vài tuần qua, hàng triệu người dân Brazil đã xuống đường biểu tình để kêu gọi luận tội hoặc phế truất Tổng thống - người mà họ cho là đang làm kinh tế đất nước lụn bại. Bà Rousseff nhiều lần khẳng định sẽ không từ chức, bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị diễn biến ngày càng tồi tệ. Dù đã từng vớt vát lại uy tín bằng những gói thắt lưng buộc bụng để cứu vãn nền kinh tế, hệ thống lãnh đạo Brazil nói chung và người đứng đầu – Tổng thống Rousseff vẫn không thể vực dậy lòng tin của người dân. Như vậy, dù có níu giữ lại vị trí, cũng không còn ý nghĩa.