Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Brexit: Cuộc "ly hôn" chưa có hồi kết

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh có thể "đảo lộn" kế hoạch tiến hành cuộc "ly hôn" lịch sử.

 Cuộc "ly hôn" giữa EU và Anh mãi chưa có hồi kết.

Việc Tòa án Thượng thẩm Anh ra phán quyết Chính phủ Anh phải có được sự phê chuẩn của Quốc hội mới được phép kích hoạt tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit đã làm đảo lộn kế hoạch tiến hành cuộc “ly hôn” lịch sử này. Theo thẩm phán cấp cao nhất của Anh John Thomas, nguyên tắc căn bản nhất của Hiến pháp Anh là Quốc hội có quyền lực tối cao và có thể thông qua hay hủy bỏ bất kỳ đạo luật nào. 

Ông Thomas cùng 2 thẩm phán cấp cao khác của Anh không nói Chính phủ cần phải làm gì, cũng không nói liệu có cần thông qua một đạo luật mới để kích hoạt quy trình Brexit hay không. Song, trong trường hợp phải thông qua một đạo luật như vậy, văn bản luật này sẽ vấp phải sự phản đối và sửa đổi tại cả 2 viện Quốc hội, đặc biệt là Thượng viện.

Đồng Bảng Anh đã tăng giá sau khi phán quyết của Tòa Thượng thẩm, ghi nhận mức cao nhất trong 3 tuần so với đồng USD, phản ánh sự lạc quan của thị trường trước triển vọng trì hoãn Brexit. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, Quốc hội Anh sẽ kiềm chế các chính sách Brexit của Chính phủ và nhờ đó giảm nguy cơ về một vụ Brexit "cứng” với nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Như vậy, cơ hội trong tương lai về việc thực hiện một kịch bản Brexit "mềm” thay vì “cứng” đã tăng lên đáng kể so với trước đó. Bởi, phần lớn các nghị sĩ trong Quốc hội Anh đều ủng hộ kịch bản Brexit "mềm” và phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh được cho sẽ trở thành “đòn bẩy” cho kịch bản này.

Về lý thuyết, Quốc hội Anh hoàn toàn có thể chặn đứng Brexit. Tuy nhiên, hầu như không ai kỳ vọng điều này xảy ra, bởi cử tri Anh đã bỏ phiếu với tỷ lệ 52% và 48% để chọn Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6. Phán quyết của Tòa Thượng thẩm khiến nhiệm vụ đưa Anh rời EU – liên minh mà nước này gia nhập cách đây 43 năm trở nên phức tạp hơn. Theo đó, thay vì kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017 theo kế hoạch của Thủ tướng May, Chính phủ Anh sẽ phải đợi kháng cáo lại quyết định của Tòa trước khi có thể tiến hành các kế hoạch để khởi động tiến trình đàm phán với các nước thành viên EU, dự kiến kéo dài 2 năm để có thể hoàn toàn rời khỏi khối. 

Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong cuộc “ly hôn” lịch sử giữa Anh và EU kể từ cuộc bỏ phiếu hồi tháng 6 và việc bà Theresa May nhậm chức Thủ tướng. Diễn biến này vừa mang đến nguồn khích lệ lớn đối với những người vốn ủng hộ việc Anh ở lại EU, vừa là thử thách lớn đối với nữ Thủ tướng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, cơ hội “lật ngược” tình thế kịch bản Brexit là không khả thi. Bởi, đa số các nghị sĩ cấp cao đã bỏ phiếu, chấp nhận và cho rằng cần tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Bên cạnh đó, một số phương tiện truyền thông cũng tỏ ra không hài lòng với những phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh và cho rằng, việc này sẽ khiến đất nước đang dần hồi phục kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 lại tiếp tục đối mặt với khó khăn. Một khảo sát gần đây cũng cho thấy, tỷ lệ cử tri Anh hiện mong muốn ở lại EU cao hơn, với tỷ lệ 51% người ủng hộ ở lại, trong khi có 49% người muốn rời EU. Với tâm lý chia rẽ vẫn tiếp tục bao trùm, nhiều nhà bình luận nhận định, nước Anh sẽ còn phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn dù “đi” hay “ở lại" EU.