Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BRICS mở rộng sẽ vượt G7 vào năm 2040?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi  - Các nhà phân tích nhận định rằng việc mở rộng của BRICS sẽ chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2040, gấp đôi so với tỷ trọng của nhóm G7 .

BRICS mở rộng đước dự báo sẽ vượt G7 về sức mạnh kinh tế vào năm 2040. Ảnh: RT
BRICS mở rộng đước dự báo sẽ vượt G7 về sức mạnh kinh tế vào năm 2040. Ảnh: RT

Tờ Bloomberg đưa tin sự bứt phá và sức cạnh tranh mạnh mẽ của BRICS đang làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu, với tỷ trọng trong GDP thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vượt xa tỷ trọng của nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7).

Hiện tại, BRICS bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đáng chú ý, từ tháng 1/2024, nhóm này sẽ mở rộng với sự tham gia của các quốc gia như: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Quyết định này đã được chính thức phê chuẩn trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra vào tháng 8 vừa qua tại Johannesburg (Nam Phi), tạo điều kiện thuận lợi cho sự mở rộng và đa dạng hóa đáng kể của nhóm kinh tế này.

Các nhà phân tích dự đoán rằng việc mở rộng của BRICS sẽ chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2040, gấp đôi so với tỷ trọng của nhóm G7 gồm: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italia, Đức và Nhật Bản. Điều này chứng tỏ sức mạnh và tiềm năng phát triển vững mạnh của nhóm BRICS trong thời gian tới.

Theo tờ Bloomberg, sản lượng kinh tế của nhóm BRICS mở rộng lớn hơn nhóm G7. Tính riêng trong năm 2022, khối này đã chiếm 36% tỷ trọng trong GDP toàn cầu, cao hơn mức 30% của nhóm G7.

“Các nhà phân tích dự báo, tỷ trọng kinh tế của nhóm BRICS mở rộng trong GDP toàn cầu tính theo PPP sẽ tăng lên 45% vào năm 2040, hơn gấp đôi so với mức 21% của nhóm G7. Trên thực tế, nhóm BRICS mở rộng và G7 sẽ hoán đổi vị trí cho nhau về quy mô kinh tế trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2040” - tờ Bloomberg cho biết.

Tờ báo Mỹ cũng chỉ ra rằng nhóm kinh tế BRICS mở rộng sẽ bao gồm một số nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, gồm Ả Rập Saudi, Nga, UAE và Iran, cùng với một số quốc gia nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Bloomberg, nếu nhóm BRICS mở rộng thành công trong việc chuyển một số giao dịch dầu mỏ sang các loại tiền tệ khác, điều này có thể ảnh hưởng đến vị thế của đồng USD của Mỹ trong thương mại quốc tế và dự trữ ngoại hối toàn cầu”.

Hiện, một số thành viên của BRICS như Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực hạn chế sử dụng đồng bạc xanh trong giao dịch thương mại.

BRIC được thành lập năm 2001 với tên gọi gốc từ các chữ cái đầu tiên của bốn quốc gia thành viên Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China). Sau đó, Nam Phi (South Africa) đã tham gia vào nhóm, và tên của khối được mở rộng thêm chữ "S", trở thành BRICS.

Ban đầu, mục tiêu chính của BRICS là tăng cường hợp tác đầu tư giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nhóm BRICS đã phát triển với mục tiêu xây dựng một trật tự thế giới "đa cực" mới, giúp mỗi quốc gia thành viên có tiếng nói và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trên sân chơi quốc tế.

Vào năm 2014, BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của riêng khối, được xem là giải pháp thay thế cho các tổ chức tài chính do Mỹ thống trị như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngân hàng NDB chính thức đi vào hoạt động kinh doanh từ năm 2015 và sau đó đã mở rộng sự tham gia của các quốc gia như Bangladesh, UAE, Ai Cập và Uruguay, tạo cơ hội cho việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững.