Kinhtedothi - Đã từ lâu, đối với các bà nội trợ, đi chợ là cả một sự nhọc nhằn, hoang mang. Mua gì, thịt, cá, hay rau… cho người thân trong gia đình ăn để vừa bổ dưỡng, vừa đảm bảo sức khỏe, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là cả một bài toán khó.
Ảnh minh họa.
Mua đồ về nhà, sơ chế đủ kiểu từ ngâm nước muối, sục máy ozon, luộc bỏ nước… nhưng đến lúc bày lên bàn ăn vẫn thấy không yên tâm.
Sự sợ hãi, lo lắng của người tiêu dùng là có cơ sở và kéo dài nhiều năm nay với cấp độ ngày một tăng.
Mới đây, đại diện các bộ, ngành và địa phương thừa nhận, việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao gây bất an cho người tiêu dùng; uy tín của doanh nghiệp, của hàng nông sản, thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp đã xử phạt gần 1.200 trường hợp vi phạm, tổng số tiền gần 22 tỉ đồng.
Trong đó, đáng chú ý đã phát hiện và tiêu hủy 20 kg chất bột màu trắng không nhãn mác, nghi ngờ là thuốc tăng trọng Salbutamol và 13,3 kg hóa chất vàng ô trộn trong thức ăn chăn nuôi để tạo màu vàng cho gà.
Đây chỉ là con số rất nhỏ trong “biển” hóa chất đang lưu hành ở Việt Nam.
Và chính điều này, nhiều người cho rằng, chỉ ăn, chỉ tin vào những gì do chính mình sản xuất ra. Nhưng một số người lại cho rằng nếu không mua, không ăn thì chết đói. Vậy vẫn phải ăn để sinh tồn.