KTĐT - Không chỉ ở các siêu thị, tại các chợ, quán nước, tạp hóa..., nơi tiền lẻ được lưu thông khá nhiều thì việc trả lại bằng sản phẩm cũng đang trở thành phổ biến.
Lấy lý do không có tiền lẻ, nhiều siêu thị, chủ quán nước dúi cho khách vài ba chiếc kẹo thay cho 200 đồng, 500 đồng, thậm chí là 1.000 đồng. Không ít người tiêu dùng cảm thấy bức xúc với cách thức giao dịch trên.
Tiền lẻ thừa được thay thế bằng kẹo để trả lại trong các siêu thị ngày càng nhiều. Ảnh: Xuân Ngọc |
Mua chục gói mỳ tôm hết 39.000 đồng tại một siêu thị trên đường Huỳnh Thúc Kháng, chị Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa 2 tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng thì được trả lại 2 chiếc kẹo cao su Cool Air, tương ứng với 1.000 đồng. Chị kể, cô nhân viên thu ngân không hỏi chị lấy tiền trả lại hay kẹo, điềm nhiên đưa luôn 2 chiếc kẹo như đó là điều hiển nhiên.
Tương tự, chị Hạnh (Tây Sơn) cũng bị trả lại hai chiếc kẹo Oishi thay cho tiền thừa 500 đồng khi thanh toán trong một siêu thị trên phố Đặng Tiến Đông. “Hóa đơn của mình là 479.500 đồng, mình đưa tờ 500.000 đồng thì được trả lại 20.000 đồng rồi cô ý bỏ luôn chiếc kẹo cao su vào túi hàng để mình tự hiểu”, chị Hạnh nói.
Giải thích về điều này, nhân viên thu ngân của siêu thị trên cho hay, vì không có tiền lẻ trả lại nên phải dùng kẹo để thay thế. “Bây giờ tiền lẻ khan hiếm, trong khi các mặt hàng trong siêu thị đều được niêm yết giá chính xác từng trăm đồng. Việc phải trả lại 1.000 đồng, 500 đồng, thậm chí 200 đồng thường xuyên gây khó khăn cho siêu thị. Nếu không dùng kẹo với giá trị tương đương thì không thể đủ tiền lẻ trả lại khách”, chị này nói.
Không chỉ ở các siêu thị, tại các chợ, quán nước, tạp hóa..., nơi tiền lẻ được lưu thông khá nhiều thì việc trả lại bằng sản phẩm cũng đang trở thành phổ biến. Anh Thắng (Đê La Thành) cho biết vừa hôm trước anh đi uống trà đá vỉa hè với mấy người bạn, khi thanh toán tiền nước và thuốc lá hết 14.000 đồng, “họ đưa 2 cái kẹo cao su thay cho 1.000 rồi còn nói như làm ơn ‘Kẹo bây giờ nghìn rưỡi một đôi, đưa chú 2 cái là tính rẻ đấy’”, anh Thắng kể lại.
Nhiều quán nước, tạp hóa cũng dần áp dụng chiêu thức giao dịch này. Ảnh: Xuân Ngọc |
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, không ít người tiêu dùng cảm thấy bức xúc với hình thức giao dịch trên. Chị Thúy chia sẻ, nhiều hôm chị cầm mấy cái kẹo được trả lại đút vào túi quần, đến lúc cho vào máy giặt không để ý, nó chảy ra, bẩn hết quần áo, vừa lãng phí, vừa bực mình. Theo chị, việc nhân viên tại các quầy thu ngân hay chủ kinh doanh nhỏ lẻ trên thị trường không hỏi xem khách có chấp nhận trả lại tiền thừa bằng kẹo hay không là sự xúc phạm, không tôn trọng người tiêu dùng.
“Khách hàng là thượng đế, họ bỏ tiền ra để mua thứ mình muốn. Thừa 1.000 đồng, 500 đồng cũng là tiền mồ hôi công sức. Nghiễm nhiên bắt người tiêu dùng lấy kẹo thay thế thể hiện họ không tôn trọng ý kiến cũng như đồng tiền của khách. Đâu phải ai cũng thích ăn kẹo hay có con nhỏ để sử dụng mấy chiếc kẹo đó. Mấy trăm lẻ tuy không đáng là bao nhưng cho ngay vào hòm ủng hộ để sẵn trong mỗi siêu thị còn có ý nghĩa hơn nhiều”, chị Thúy bộc bạch.
Thêm đó, nhiều người còn cho rằng đây là hình thức kinh doanh thêm của các siêu thị hay người bán hàng. Chị Nga, người thường xuyên đi siêu thị nhẩm tính, mỗi ngày lượng khách đến mua hàng ở siêu thị khá lớn, người nào thừa 500-1.000 đồng cũng bị thanh toán bằng kẹo thì hàng trăm chiếc sẽ được tiêu thụ.
“Trong khi đó, nếu mua cả thùng lớn, chắc chắn mỗi chiếc kẹo không có giá tới 500 đồng như nhiều nơi vẫn quy đổi, để trả lại. Với cách thức này, họ vừa bán thêm được kẹo, vừa có lãi từ số lượng lớn sản phẩm này. Bằng chứng là rất nhiều lần mình nhìn rõ trong ngăn kéo thu ngân có tiền lẻ nhưng họ vẫn trả tiền thừa cho khách bằng vài chiếc kẹo”, chị Nga nói.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, quản lý các siêu thị, cửa hàng tạp hóa đều xác nhận có thực trạng trên. Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam – hệ thống siêu thị Fivimart cho biết do số lượng tiền lẻ ngày càng khan hiếm, việc đổi tiền lẻ không phải dễ nên nhiều khi khách thừa tiền lẻ phải nhận lại bằng kẹo có giá trị tương đương, chứ khách không bị thiệt hay chịu mất không số tiền đó.
Lãnh đạo của hệ thống siêu thị này cũng khuyến cáo rằng họ luôn tồn tại song song hai hình thức trả lại tiền lẻ cho khách: trả bằng tiền mặt và thay thế bằng kẹo. Vì vậy, người tiêu dùng nào không muốn nhận tiền lẻ thừa bằng kẹo thì nên thẳng thắn nói với nhân viên thu ngân để được đáp ứng nhu cầu.