Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bức tranh nhiều điểm sáng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chuyển biến tích cực và toàn diện, 5 năm qua (từ 2006 - 2011), "bức tranh" nông thôn, nông nghiệp của nước ta đã có nhiều điểm sáng, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Đó là những đánh giá khả quan được đưa ra tại cuộc họp báo công bố kết quả chính thức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 diễn ra sáng 25/10/2012 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).

Bức tranh nhiều điểm sáng - Ảnh 1

Trồng hoa trong nhà lưới tại Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Nhiều điểm sáng

Theo ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, 5 năm qua, bộ mặt nông thôn, nông nghiệp và thủy sản của nước ta đã có những chuyển biến tích cực, trước hết là về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.

Tính đến 1/7/2011, cả nước có 9.054 xã có điện, đạt xấp xỉ 100%, cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Về giao thông nông thôn, cả nước có 8.944 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, chiếm 98,6%, trong đó trên 97% số xã có đường ô tô đi lại được quanh năm. Về hệ thống thủy lợi, cả nước có gần 16.000 trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn xã, tăng 81% so với năm 2001.

Đến năm 2011, cả nước có 99,5% số xã có trường tiểu học. Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở tăng lên, từ 90,8% năm 2006 lên 93% năm 2011. Cùng với sự phát triển của hệ thống trường học tại cấp xã, các lớp mẫu giáo, nhà trẻ đã phát triển, mở rộng đến tận cấp thôn. Hệ thống cơ sở y tế tiếp tục được tăng cường khá toàn diện. Đến năm 2011, cả nước có 99,5% số xã có trạm y tế, trong đó 57% số trạm được kiên cố hóa. Đặc biệt, thực hiện chính sách đưa bác sỹ về xã, đã có 6,6 ngàn bác sỹ về nông thôn phục vụ. Ngoài ra, các vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn, mạng lưới thông tin văn hóa, tỷ lệ chợ nông thôn, việc khôi phục và phát triển kinh tế làng nghề… cũng không ngừng được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tính đến năm 2011, vốn tích lũy bình quân của một hộ nông thôn đạt 17,4 triệu đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2006.

Vẫn còn hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011 cũng cho thấy thực trạng vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập.

Kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, hệ thống trường học nông thôn… chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn ở nhiều địa bàn cấp xã trên phạm vi cả nước. Một số chỉ tiêu quan trọng về xã hội và môi trường nông thôn không đạt được mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và có khoảng cách khá xa so với mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đến tháng 7/2011, cả nước chưa có xã nào đạt được đầy đủ bộ tiêu chí nông thôn mới. Phần lớn các xã (77,4%) mới đạt từ 2 - 5 tiêu chí trong số 13 tiêu chí được thu thập thông tin tại cuộc Tổng điều tra, trong đó Đồng bằng sông Hồng đạt 87,35, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 79,8%; Đông Nam Bộ đạt 83,9%; riêng Trung du miền núi phía Bắc chỉ 69% số xã đạt 2 - 5 tiêu chí. Tính chung cả nước, tỷ lệ xã mới đạt một tiêu chí còn nhiều (11%). Ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, với thực trạng trên, dù mới đánh giá theo 13 tiêu chí thông qua cuộc Tổng điều tra cũng cho thấy việc thực hiện xây dựng nông thôn mới đang đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết 26 về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

Ngoài ra, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế và lao động chuyển dịch chậm và không đều giữa các vùng và địa phương. Thủy sản phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Lâm nghiệp chuyển dịch chậm. Quy mô đất đai và lao động bình quân một hộ nông lâm thủy sản còn quá nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu. Lao động thừa, việc làm thiếu, trình độ chưa qua đào tạo cao… Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, những hạn chế nói trên chỉ là những khó khăn tạm thời, không cơ bản trong quá trình phát triển, bởi đó là điều khó tránh khỏi đối với một nước nông nghiệp có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đang chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và hội nhập kinh tế thế giới.

Tính đến ngày 1/7/2011, cả nước có 9.071 xã; 80.904 thôn, ấp, bản, tăng 0,35% so với 80.620 thôn của năm 2006. Nông thôn nước ta có 15,3 triệu hộ với xấp xỉ 32 triệu người trong độ tuổi lao động, tăng 11,4% về số hộ và 4,5% về lao động so với kỳ Tổng điều tra năm 2006.