Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bùng nổ" của hàng bình ổn giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay có không ít cửa hàng mượn mác bình ổn giá để thu hút người tiêu dùng. Chủ một cửa hiệu giày dép trên phố Kim Ngưu, Hà Nội cũng căng biển "Bán hàng bình ổn giá". Theo chị, cách làm đó chỉ để gây sự chú ý của khách, khẳng định là hiệu của chị cam kết không tăng giá để có nhiều người vào mua hơn.

Ki-ốt bán quần áo trong chợ, cửa hàng kinh doanh đồ tạp hóa trên phố, tiệm giày dép... cũng treo biển "Cửa hàng bình ổn giá" khiến không ít người tiêu dùng nhầm lẫn.

Trong một lần đi mua sắm, chị Hạnh, sống ở Cầu Giấy, Hà Nội phát hiện ra địa chỉ bán quần áo bình ổn giá ngay trong chợ gần nhà. Biển "Cửa hàng bình ổn giá" màu đỏ được căng rõ ràng ngay trước ki-ốt. Lần đầu tiên thấy mặt hàng thời trang được bán giá bình ổn, chị Hạnh tò mò vào xem. Nhưng so với những tiệm bên cạnh, giá quần, áo tại đó còn đắt hơn 10.000-20.000 đồng mỗi chiếc cùng loại.

"Bùng nổ" của hàng bình ổn giá - Ảnh 1
 

Cửa hàng bán quần áo trong chợ treo biển bình ổn giá để thu hút khách hàng. Ảnh: Xuân Ngọc

Nhiều người hàng xóm của chị Hạnh còn trở thành khách quen của tiệm đó chỉ vì tấm biển quảng cáo. "Các bác quanh nhà mình nói hiệu bình ổn giá được nhà nước hỗ trợ vốn, đảm bảo hàng tốt và rẻ nên tin tưởng lắm. Còn bản thân mình thì thấy chất liệu và mẫu mã chỉ ngang như những ki-ốt khác trong chợ, một số nơi khác còn bán với giá rẻ hơn", chị Hạnh chia sẻ.

Cô Tâm, sống tại phố Phạm Văn Đồng, Hà Nội còn phàn nàn "cửa hàng bình ổn giá" đầu ngõ thay đổi giá liên tục. Đó thực chất là một hiệu tạp hóa, kinh doanh cả đường, sữa, trứng, dầu ăn, nước mắm... Cô Tâm cho biết, kể từ khi thành phố có chương trình bình ổn giá, mỗi tháng cô thường đi siêu thị 2 lần để mua đồ ăn lương khô như gạo, dầu ăn, đường...

Nhưng từ nửa năm nay, đại lý gần nhà cũng căng biển "hàng bình ổn giá", tin tưởng và cho rằng mức giá cũng được kiểm tra và quản lý nên cô mua luôn tại đó cho tiện. Nhưng theo dõi, cô Tâm thấy giá mỗi lần mua đều khác nhau. Như chai dầu ăn đầu tháng mua 42.000 đồng, cuối tháng đã lên 43.000 đồng, sang đợt sau lại xuống 42.500 đồng... Với sản phẩm đường, sữa, trứng... cô cũng gặp tình cảnh tương tự.

"Tôi nghe các cháu nói đã là hàng bình ổn giá nghĩa là giá phải giữ ổn định trong vòng ít nhất là 3 đến 6 tháng, sao lại có chuyển nhảy giá nhanh như vậy trong thời gian ngắn. Tôi hỏi thì người ta bảo do giá cả lúc nhập lên hay xuống tùy từng đợt", cô Tâm cho hay.

Hiện nay có không ít cửa hàng mượn mác bình ổn giá để thu hút người tiêu dùng. Chủ một cửa hiệu giày dép trên phố Kim Ngưu, Hà Nội cũng căng biển "Bán hàng bình ổn giá". Theo chị, cách làm đó chỉ để gây sự chú ý của khách, khẳng định là hiệu của chị cam kết không tăng giá để có nhiều người vào mua hơn.

Chủ kinh doanh này cho biết thêm, xuất phát từ việc quan sát thấy siêu thị gần đó đề biển bán hàng "bình ổn giá" đã có rất đông người mua, nên chị cũng tìm cách làm theo. "Giá cả ổn định không lên xuống thất thường như chợ nên các bà, các chị sống quanh đây thích vào siêu thị mua. Biển hiệu của tôi cũng chỉ để đắt khách hơn thôi", chị giải thích.

"Bùng nổ" của hàng bình ổn giá - Ảnh 2  
 

Biển đúng theo quy chuẩn trong chương trình "Bình ổn giá" có màu xanh da trời, chữ trắng và bên trên đề Ủy ban Nhân dân thành phố hoặc tên doanh nghiệp. Ảnh: Xuân Ngọc

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết để tham gia bán hàng bình ổn giá năm trong chương trình mà thành phố xây dựng, các doanh nghiệp, cửa hàng phải có đăng ký với Sở Công thương và Ủy ban nhân dân thành phố. Trong đó, chủ yếu là những mặt hàng như thực phẩm, giấy vở. Quần áo, thời trang, giầy dép không phải là hàng bình ổn giá.

Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, biển của chương trình "Bình ổn giá" có màu xanh da trời, chữ trắng, to, bên trên ghi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội hoặc tên doanh nghiệp. "Biển màu đỏ chắc chắn không phải là điểm bán hàng bình ổn giá của thành phố", ông khẳng định.

Ông Đồng cho hay một vài cửa hàng lạm dụng mác "bình ổn giá" để thu hút người tiêu dùng đã bị Sở Công thương và cơ quan quản lý thị trường phát hiện, xử phạt. Tuy nhiên, nếu người kinh doanh dùng chữ "bình ổn giá" như một khẩu hiệu với hình thức, mẫu mã khác hoàn toàn khác với quy chuẩn thì việc xử lý rất khó.

"Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp kiểm soát thị trường để hạn chế tình trạng này. Người tiêu dùng khi đi mua hàng cũng nên lưu ý kỹ và chọn những cửa hàng có biển quảng cáo theo đúng quy định của Sở công thương và thành phố. Hàng bình ổn giá hiện nay vẫn chủ yếu là đồ lương thực, thực phẩm, chưa bao gồm quần áo, thời trang", ông Đồng nói.