Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước ra ánh sáng bằng tri thức

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không được nhìn thấy ánh sáng nhưng chị Trần Việt Anh (SN 1976, Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên) luôn khát khao chiến thắng bản thân mình. Chị đã hoàn thành xuất sắc bài dự thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” do UBND TP Hà Nội tổ chức và giành giải Nhất cuộc thi.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao giải Nhất cuộc thi cho chị Trần Việt Anh.
Là một người mù bẩm sinh, Trần Việt Anh phải chịu nhiều thiệt thòi cả về thể chất lẫn tinh thần. Năm 17 tuổi, Việt Anh mới bắt đầu học lớp 1. “Tôi kiên trì theo học văn hóa qua các bậc học dành cho người khiếm thị, học chữ nổi, học cách sử dụng máy vi tính, tiếp cận các phần mềm hỗ trợ đọc cho người mù. Từ đó, như có thêm đôi cánh, tuy không nhìn thấy nhưng tôi như mở rộng được tầm mắt, tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn, tiếp cận thông tin rộng hơn. Với sự đam mê và nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu pháp luật, tôi chọn theo học chuyên ngành Luật của Viện Đại học Mở Hà Nội, và đã tốt nghiệp đại học” - chị tâm sự.

Tham gia công tác tại Hội Người mù huyện Phú Xuyên từ năm 2004, với sự đồng cảm và lòng nhiệt huyết, Việt Anh mong muốn giúp đỡ phần nào đối với những người đồng tật trên địa bàn mình cư trú. Khao khát truyền nghị lực cho những người cùng hoàn cảnh với mình, rằng cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp, cơ hội luôn mở ra cho những con người biết cố gắng, vươn lên chiến thắng số phận. Người khiếm thị tuy không nhìn thấy ánh sáng nhưng không để bản thân bị lãng quên trong bóng tối.

Mới đây, khi UBND TP tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015”, Việt Anh đã thể hiện mong muốn được tham gia. Vừa điều hành công tác của hội, vừa tham gia các hoạt động cộng đồng, không những thế, chị còn đang theo học chương trình bồi dưỡng kỹ năng công tác xã hội. Người mắt sáng có thể làm nhiều việc cùng lúc, nhưng đối với người khiếm thị, việc sắp xếp thời gian biểu và điều chỉnh công việc vô cùng khó khăn. Thời gian ở nhà, chị lên mạng tìm đọc Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015, tìm các bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp luật. Đồng thời, chị đối chiếu với kiến thức đã học ở đại học, đó là những tài liệu chữ nổi chị tự ghi chép, những đĩa audio thu âm giáo trình, những bản ghi âm bài giảng của giảng viên, những đầu sách nói đặc biệt về pháp luật biên soạn phát hành cho người mù. Tuy chị sử dụng phần mềm hỗ trợ đọc văn bàn trong máy tính xách tay, nhưng việc nghe hết 2 bộ luật và nhiều bài viết, tài liệu khác nhau không hề dễ dàng.

“Đối với tôi, chuyên ngành luật hình sự có sự hấp dẫn và thú vị. Tôi tìm hiểu không chỉ với mục đích dự thi, khẳng định khả năng và kiến thức của mình, mà còn nhằm tuyên truyền rộng rãi cho các hội viên, phổ biến cho những người xung quanh nâng cao hiểu biết, chấp hành pháp luật” - chị Việt Anh chia sẻ.

Trò chuyện với báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên nhận xét, nhiều người cho rằng, những người bị khiếm thị, tàn tật thì không thể làm được việc gì. Thế nhưng, trên thực tế, có rất nhiều tấm gương đã vượt qua số phận, khó khăn trong cuộc sống để học tập, lao động và sống có ích, đóng góp tích cực cho xã hội. Người khiếm thị tuy không nhìn được sự vật nhưng vẫn luôn cố gắng làm nên những điều tốt đẹp, có ích cho cuộc đời. Chị Trần Việt Anh - người phụ nữ khiếm thị có bản lĩnh, trí tuệ, sự nỗ lực bền bỉ đã bước ra ánh sáng cuộc đời bằng tri thức và xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người.