Từ đó đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều các sản phẩm, dịch vụ công nghệ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí “Make in Viet Nam”: Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Sự chuyển mình mạnh mẽ của các DN công nghệ số với các sản phẩm công nghệ số đang dần đưa ngành công nghiệp công nghệ số trở thành trụ cột của nền kinh tế, đồng thời tạo đà cho Việt Nam trở thành một quốc gia số vào năm 2030.
Định hướng phát triển của nhiều công ty công nghệ trong nước
Ngay từ đầu, "Make in Việt Nam" đã khiến nhiều người tò mò xen lẫn hoài nghi. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cụm từ này đã trở thành định hướng phát triển của các công ty công nghệ trong nước. Các sản phẩm "Make in Viet Nam" không chỉ giải quyết bài toán trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới, thúc đẩy cuộc chuyển đổi số toàn cầu và đóng góp nhiều nghiên cứu quan trọng vào kho trí thức nhân loại.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về tỷ lệ giá trị “Make in Viet Nam” trên doanh thu lĩnh vực công nghiệp số khi có khoảng 60% số DN chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao. Doanh thu ngành công nghiệp số tiếp tục tăng trong năm 2023.
“Make in Viet Nam” không chỉ đóng vai trò giải quyết những vấn đề của Việt Nam bằng công nghệ số do chính người Việt làm chủ, mà còn có sứ mệnh lớn lao hơn là chinh phục thị trường quốc tế. Các DN số được Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ TT&TT, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, từ chính sách tới truyền thông, từ ưu đãi thuế tới hỗ trợ đào tạo nhân lực, từ định hướng phát triển tới trao gửi sứ mệnh.
Trong 4 năm qua, tiến ra thị trường nước ngoài là xu thế chung của DN công nghệ số Việt Nam. Ước tính, trong số hơn 70.000 DN công nghệ số, khoảng 1/3 trong số đó đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế. Cụ thể, các thị trường trọng điểm ở nước ngoài của FPT đều tăng trưởng gần 40% so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel cũng có một năm 2022 thành công ở thị trường quốc tế với doanh thu cán mốc gần 3 tỷ USD. Viettel đang giữ vị trí nhà mạng 5G số 1 tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng là DN Việt nổi bật thực hiện chuyển đổi số cho các quốc gia Haiti, Lào…
Cần phát huy hơn nữa các sản phẩm “Make in Viet Nam”
Một lợi thế khác của "Make in Viet Nam" là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã từng thiết kế thuê module hay các sản phẩm trọn vẹn, từ đó có thể nhanh chóng chuyển đổi từ gia công sang sản xuất và làm chủ công nghệ.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 11/2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp 3D. Chỉ một phần nhỏ các DN Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Có thể thấy phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, khó khăn và thách thức đan xen.
Do đó, thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”; đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh R&D; phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam; các chính sách nhằm hỗ trợ các DN, nhất là DN truyền thống, DN sản xuất chuyển đổi sang sản xuất thông minh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số… là vấn đề cần được chú trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Chuyển đổi số với các nền tảng số “Make in Viet Nam” đã và đang tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt. Các DN số đã chuyển dần từ gia công sang làm chủ công nghệ, qua đó giúp giải quyết những bài toán lớn của quốc gia. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, ở tất cả các lĩnh vực. Trong tiến trình ấy, các DN số với các sản phẩm số “Make in Viet Nam” được đặt vào vai trò trung tâm, được giao sứ mệnh đưa Việt Nam bứt phá với nền kinh tế số giữ vai trò chủ đạo, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số trong thời gian tới.
Cần phát huy hơn nữa các sản phẩm “Make in Viet Nam”"Thị trường 100 triệu dân trong nước là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của DN Việt Nam bởi không ai hiểu người Việt, nhu cầu Việt Nam hơn người Việt Nam. Các DN công nghệ số cần chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế mà quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường 100 triệu dân này.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng