Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước tiếp chặng đường làm hài lòng người bệnh

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 27/2, Bộ Y tế đã tổ chức kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2016) với chủ đề “Y tế Việt Nam - Đổi mới hướng đến sự hài lòng của người bệnh”.

Đến dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Đây là dịp để người dân cả nước nhìn lại những bước phát triển của ngành y trong những năm qua, nhất là sự “lột xác” trong phong trào đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đồng thời thấu hiểu thêm những hy sinh thầm lặng và những rủi ro của người chiến sỹ áo trắng.

Thay đổi tích cực

Đổi mới, đột phá, triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh, trong đó tập trung vào đổi mới toàn diện phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh, xây dựng bệnh viện (BV) xanh sạch đẹp và quản lý hiệu quả các dịch vụ ngoài y tế, đây là một trong 10 thành tựu đáng ghi nhớ của ngành y tế trong năm qua. Thực tế, hiếm có năm nào như năm 2016 khi các cuộc “vi hành” của “tư lệnh ngành” được diễn ra thường xuyên. Tới thăm các cơ sở, Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trực tiếp thăm hỏi sức khỏe, lắng nghe ý kiến phản ánh của bệnh nhân và người nhà về thời gian chờ khám, quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh, quá trình điều trị nội trú. Tại nhiều BV, Bộ trưởng đã đặt những câu hỏi thẳng thắn, trực diện như: “Cán bộ y tế có vòi vĩnh không? Có gây khó dễ hay không? Bác sĩ có tận tình hay không?”. Hay vào từng buồng bệnh, Bộ trưởng tận mắt kiểm tra nhà vệ sinh cho bệnh nhân, thăm hỏi người nhà bệnh nhân về chỗ ăn, ngủ hàng ngày khi phải chăm sóc người bệnh tại BV.
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các cá nhân được trao danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Ảnh: Dương Ngọc 

Nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, cái nhìn của người dân về ngành y đã có nhiều “thiện cảm”. Từ các cuộc kiểm tra trước đó của Bộ Y tế về thực hiện phong trào đổi mới phong cách phục vụ tại 22 BV từ T.Ư đến địa phương cho thấy, mức độ hài lòng chung của người bệnh về thời gian khám bệnh đạt 81,3%; mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đạt 89,8%. Cũng nhờ các buổi kiểm tra này, những khiếm khuyết của các BV đã nhanh chóng được khắc phục. Tình trạng nằm ghép 4 người một giường, cán bộ vòi phong bì ở BV K đã được xử lý. Nỗi bức xúc của người bệnh phải chờ đợi lâu khi đến khám tại BV Xanh Pôn đã được BV khắc phục ngay một ngày sau chuyến kiểm tra của Bộ trưởng.

Đổi mới toàn diện

Năm 2017 là năm thứ ba toàn ngành y tế thực hiện phong trào Đổi mới phong cách thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Điều này chứng tỏ, việc đổi mới không phải là phong trào, hình thức mang tính nhất thời, mà thực sự đã trở thành mục tiêu, định hướng lâu dài của từng cán bộ, cơ sở y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào này một cách toàn diện và sâu rộng. Bộ Y tế sẽ tổ chức xếp hạng các BV và sẽ công bố, công khai kết quả xếp hạng BV để người dân có thể lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh có chất lượng. Thay đổi suy nghĩ về mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân cũng được coi là một nội dung cần được triển khai ngay trong thời gian tới. “Cán bộ y tế phải thấm nhuần triết lý “nếu không có bệnh nhân thì sẽ không có thầy thuốc”, bệnh nhân mang việc làm, nguồn lực cho BV. Tạo dựng và phát triển tốt mối quan hệ này sẽ mang lại lợi ích cho cả người bệnh và thầy thuốc” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, 134 cá nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, 1.654 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”. 


Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi đến những người thầy thuốc trên mọi miền Tổ quốc những tình cảm thắm thiết và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Trong thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu ngành y tế cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời chú trọng đến công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức để mỗi người dân, mỗi gia đình có thể chủ động phòng bệnh; kiểm soát kịp thời công tác vệ sinh ATTP; quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; phát triển công nghiệp dược; kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.