Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bưởi Phúc Thọ” - kỳ vọng vào một thương hiệu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, thông tin nhãn hiệu “Bưởi Phúc Thọ” chính thức được công bố đã làm nức lòng nhiều người dân trên địa bàn huyện bởi thứ trái cây quen thuộc trong mỗi vườn nhà đã trở thành sản phẩm hàng hóa, được định hình chỗ đứng trên thị trường.

Sự ra đời của nhãn hiệu này đã mở ra kỳ vọng về phát triển những vùng cây ăn quả đặc sản, tạo sức bật cho chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Phúc Thọ là vùng đất cổ xứ Đoài, có bề dày văn hóa truyền thống và lịch sử. Nơi đây còn được biết đến là vùng đất trù phú, cây cối xanh tốt quanh năm, có nhiều cây, quả là đặc sản nổi tiếng khắp vùng. Trong số đó phải kể đến bưởi Phúc Thọ. Từ hàng trăm năm trước, Nhân dân trong vùng đã trồng nhiều giống bưởi quý như bưởi đường Vân Cốc, bưởi cam đường Tích Giang. Các giống bưởi truyền thống có nhiều đặc điểm tốt là cây có sức đề kháng cao, độ cao trung bình thuận lợi cho việc chăm bón, nhiều quả, vị ngọt, có mùi thơm dịu nhẹ. Ngoài các giống bưởi truyền thống địa phương, người dân còn mang về vùng đất này nhiều loại giống bưởi quý khác như Phúc Diễn, Phúc Trạch, Đoan Hùng…

 
 Giới thiệu sản phẩm “Bưởi Phúc Thọ” tại lễ công bố nhãn hiệu.     Ảnh: Khuất Thảo
Giới thiệu sản phẩm “Bưởi Phúc Thọ” tại lễ công bố nhãn hiệu. Ảnh: Khuất Thảo
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, cây bưởi dần trở thành một trong cây hàng hóa chủ lực trong ngành nông nghiệp của huyện với diện tích gần 280ha, hàng năm cho thu nhập từ 75 - 80 tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân đã giàu lên nhờ cây bưởi. Bưởi Phúc Thọ ngày nay có nhiều đặc tính nổi trội, đặc biệt là quả tròn, màu vàng, vỏ mỏng, múi to đều, vị thanh tao ngon tương đương các loại bưởi đã nổi tiếng khắp cả nước. Nhận thức được giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển của cây bưởi, UBND huyện Phúc Thọ đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội lập hồ sơ đề nghị công nhận nhãn hiệu “Bưởi Phúc Thọ”. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ càng, công phu với sự đánh giá, thẩm định chặt chẽ của các cơ quan chức năng, ngày 5/11/2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bưởi Phúc Thọ”. Và cuối tuần qua, lễ công bố nhãn hiệu “Bưởi Phúc Thọ” đã được long trọng tổ chức trong niềm vui chung của người dân địa phương.

Như vậy, sau “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”, “Bưởi sạch Sóc Sơn”, việc ra đời của nhãn hiệu “Bưởi Phúc Thọ” giúp cho người dân Thủ đô có thêm một lựa chọn trái cây chất lượng cho gia đình. Nhiều hộ nông dân trồng bưởi huyện Phúc Thọ phấn khởi chia sẻ, đây là sự kiện có ý nghĩa khích lệ và thúc đẩy phong trào trồng bưởi trong toàn huyện, giúp quả bưởi của nông dân được nâng cao giá trị và có đầu ra bền vững. Một số hộ tiết lộ, ngay từ cách đây vài tháng, hầu hết các vườn bưởi lớn của huyện Phúc Thọ đã được thương lái đặt mua tại vườn. Theo kế hoạch, trong vài năm tới, huyện Phúc Thọ phấn đấu có từ 700 - 1.000ha trồng bưởi và từng bước đưa sản phẩm “Bưởi Phúc Thọ” trở thành thương hiệu mạnh của Thủ đô, chinh phục tất cả khách hàng khó tính gần xa.

Chia sẻ niềm vui với người dân Phúc Thọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đào Văn Bình cho rằng, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc khai thác thế mạnh của địa phương, đảm bảo xuất xứ sản phẩm. Thông qua đó, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia TPP, Cộng đồng ASEAN và nhiều hiệp định thương mại tự do khác. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, việc lựa chọn phát triển cây bưởi làm cây trồng chủ lực giúp nông dân làm giàu hứa hẹn một hướng đi mới đầy khả quan cho nông nghiệp huyện Phúc Thọ, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Thủ đô trong thời kỳ đổi mới.

Có thể nói, việc lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu đã khó, song việc duy trì, quản lý, phát triển nhãn hiệu lại khó hơn nhiều. Do đó, thời gian tới, huyện Phúc Thọ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhãn hiệu “Bưởi Phúc Thọ”. Đồng thời điều chỉnh quy hoạch, mở rộng diện tích thâm canh bưởi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và liên kết 4 nhà, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm.