Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Buồn vì ứng xử của nghệ sĩ

Phú Gia
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả tuần qua, showbiz Việt om lên chuyện cựu người mẫu Trang Trần chửi nghệ sĩ Xuân Hương bằng một clip trên mạng xã hội.

Câu chuyện này không phải lần đầu tiên trong giới nghệ sĩ, nhưng thêm lần này nữa, càng thấy rõ văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trẻ Việt đã đến hồi báo động.

Thiếu văn hóa

Phải nói rằng, những scandal về ứng xử giữa chốn đông người của nghệ sĩ Việt cứ nối tiếp nhau khiến công chúng không khỏi nghi ngờ về “phông” văn hóa cũng như sự hiểu biết đời thường một cách giản đơn của họ. Nào thì ứng xử trong đời thường, nào thì ứng xử trên sân khấu… có thể nói nơi nào cũng “có chuyện”, mà hết thảy đều thể hiện bằng những lời lẽ thiếu văn hóa.
        Nghệ sĩ Xuân Hương                                    Trang Trần

Chẳng nói đâu xa xôi là chuyện của chính nhân vật đang vướng scandal hiện tại – Trang Trần, khi lăng mạ và chống lại người thi hành công vụ (Công an phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Không một ai, từ người quen cho đến người lạ, thương tiếc hay tỏ ý bênh vực trước lối cư xử có thể nói là thiếu văn hóa của cô. Thậm chí người chứng kiến và nghe chuyện còn cảm thấy khó chịu khi một con người bốc đồng và thiếu tư cách như vậy lại đứng trong hàng ngũ “người của công chúng”.

Hay hồi tháng 5 vừa rồi là việc Idol Hương Giang xúc phạm nghệ sĩ gạo cội Trung Dân trong một buổi ghi hình gameshow. Dư luận bức xúc, đồng nghiệp lên tiếng, thậm chí còn có hẳn một cuộc kêu gọi tẩy chay nữ ca sĩ chuyển giới vì đã có những lời lẽ xúc phạm, làm tổn thương người nghệ sĩ đáng tuổi cha chú. Chung quy nằm ở ngôn ngữ và sự hiểu biết về văn hóa. Nghệ sĩ trẻ chưa đủ vốn văn hóa, nhưng lại được đặt ở một sân chơi cần đến sự hiểu biết về văn hóa và cách ứng xử có văn hóa…

Không chỉ vậy, giới nghệ sĩ còn như đang biến mạng xã hội thành một “cái chợ vỡ” để thoải mái tranh cãi, nói kháy, chửi đổng, thậm chí… thóa mạ nhau. Nào thì chuyện nhà thiết kế trẻ Đỗ Mạnh Cường buông trên Facebook những lời miệt thị, khinh khi những người cho rằng các thiết kế của anh “nhái” ý tưởng của một số thương hiệu lớn. Người hâm mộ cảm thấy nản, bởi lẽ ra anh nên có cách ứng xử văn hóa trước những lời góp ý về mặt sáng tạo cho mình, thì anh lại chọn cách “bất hợp tác” kiểu chợ búa như vậy. Nào thì chuyện “ông hoàng nhạc Việt” Mr. Đàm đăng lên tường Facebook bức tâm thư với lời lẽ chẳng khác gì chửi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 – một bậc cha chú, cũng là một người thầy của anh. Ồn ào trong dư luận, song công chúng không một ai “về phe” Mr. Đàm, mà hết thảy đều lên án hành động thiếu văn hóa của nam ca sĩ này. Rồi còn những lần “khẩu chiến” trên truyền hình, trên Facebook của Mỹ Lệ, Lưu Thiên Hương, Duy Mạnh, Elly Trần, Hương Tràm, Tuấn Hưng…

Phải có môn học ứng xử

Chính giới làm nghệ thuật cũng thừa nhận showbiz hiện tại như cái chợ với đủ lời qua tiếng lại để “hạ bệ” nhau mà không có bất kỳ một sự kiểm soát nào. Thế nên không vô lý khi mà nhiều người quan tâm đến làng biểu diễn trong nước cho rằng, cần có động thái để chấn chỉnh văn hóa ứng xử của nghệ sĩ và hạn chế tối đa những phát ngôn bừa bãi, hành vi lệch chuẩn này.

Lục lại kho kiến thức mà các trường chuyên ngành nghệ thuật chắt lọc để “cho ra lò” các nghệ sĩ, chợt nhận ra nơi này cần thêm môn học về văn hóa ứng xử. Hiện tại các trường đại học sân khấu điện ảnh hay cao đẳng nghệ thuật, nhạc viện… mới chú tâm đến chuyên môn nghệ thuật mà gần như bỏ trống các môn học về văn hóa, kỹ năng ứng xử – điều không thể thiếu cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nơi nào có nhắc đến thì cũng chỉ là một vài tiết học đan xen những chia sẻ về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm biểu diễn và kinh nghiệm ứng xử với công chúng.

Trước những ồn ào về chuyện ứng xử của nghệ sĩ, nhiều người còn cho rằng, nên có quy chế phát ngôn cho giới nghệ sĩ. Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đơn vị truyền thông… đã tuân thủ theo một quy chế phát ngôn, tại sao nghệ sĩ lại không cần, đặc biệt là khi việc giao lưu, tiếp xúc diễn ra như cơm bữa. Quy chế ấy sẽ có những chế tài nhất định cho những ai vi phạm, sẽ là vòng cương tỏa, là giới hạn cho “thói chảnh” của nghệ sĩ. Tất nhiên, điều này sẽ ít nhiều “làm khó” cho giới văn nghệ sĩ, nhưng rõ ràng mỗi nghề nghiệp đều có những yêu cầu, đạo đức làm nghề nhất định.

Phải đưa môn văn hóa ứng xử vào giảng dạy trong các trường nghệ thuật một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất có thể. Bởi hát một nốt nhạc, diễn một động tác còn phải học, huống chi kỹ năng ứng xử?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Duy Ngọc

Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt