Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Búp bê của mẹ

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại những năm tháng qua, cô thấy mình thật ích kỷ. Cô chỉ biết đón nhận sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ, mà chưa bao giờ mảy may nghĩ đến việc quan tâm tới những người xung quanh mình.

Chỉ đến hôm nay, khi mẹ ốm nặng, cô mới thấy mình thật vô dụng. 

Ngày lại ngày, hết giờ làm, thay vì như những đồng nghiệp đã có gia đình, hớt hải chạy về để kịp đón con, đi chợ, cô cũng xách túi rời công sở, nhưng là đi lượn siêu thị nghiêng ngó đồ sale off, thăm thú phố phường. Đứa con trai nhỏ ở nhà đã có bà ngoại đón hộ, tiện thể bà ghé qua chợ, nấu cơm luôn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cô thấy mình nhàn hạ, sung sướng, nhưng coi đó là chuyện bình thường, nên chưa bao giờ bận tâm suy nghĩ về những gì mình đang hưởng thụ hôm nay, rằng những người sống quanh mình ra sao. Bởi cô là con một, được bố mẹ nâng niu như trứng mỏng ngay từ khi lọt lòng, rồi lớn lên trong sự cưng chiều hết mức. Lúc nhỏ, ngoài chuyện học, cô không phải động tay vào bất cứ thứ gì. Hàng xóm rất ngạc nhiên, thậm chí “xì xào” về việc cô lười quá, thậm chí có người nói là hư, khi đã lớn rồi nhưng đi học về là nằm ườn xem ti vi, trong khi mẹ nấu cơm, còn bố thì đang cặm cụi làm việc. Thậm chí đến cả việc dắt xe ra vào cho con gái, mẹ cô cũng đảm nhiệm. Nhưng một lời cảm ơn mẹ, có lẽ cô cũng chưa bao giờ thốt ra. Cô thấy mình là niềm tự hào của bố mẹ khi học giỏi, tốt nghiệp loại ưu là đủ. Cuộc sống chỉ đảo lộn đôi chút khi không may bố cô qua đời, rồi lại trở về nhịp sống bình yên (hoặc là chỉ có cô nghĩ thế). Mẹ dường như càng cưng chiều cô hơn như để bù vào phần của bố. Rồi cô lấy chồng. Nhà chỉ còn một mẹ một con, nên bà sống cùng vợ chồng cô và cô sung sướng bởi điều đó.

 Cuộc sống ban đầu của vợ chồng cô thực sự nhàn hạ bởi mẹ cô vẫn luôn quán xuyến cả việc nhà đến chuyện chăm sóc con rể. Bà thương con nên rất chiều rể. Anh cũng yêu quý bà như chính mẹ đẻ của mình. Rồi cô sinh con. Mẹ cô dường như bận hơn, còn với cô cuộc sống đúng ra phải lo toan nhiều, nhưng ngược lại, không hề thay đổi. Trong khi mẹ tất bật với lo việc nhà, đảm nhiệm thêm cả chăm lo cho thằng cháu ngoại, cô vẫn rảnh rang đón nhận những niềm sung sướng đã hưởng từ bé. Chồng cô thấy bà vất vả, đề nghị thuê thêm người giúp việc thì bà gạt đi, nhà có người lạ không tiện.

Chính chồng cô cứ thấy có gì đó không ổn trong cách hành xử của vợ mình. Anh đã không ít lần ngọt nhẹ bảo cô nên quan tâm hơn đến việc nhà, rằng mẹ không thể đi theo để chăm sóc cho con cả đời được, rằng cô đã lớn rồi, đã làm mẹ rồi, không nên mãi làm búp bê của mẹ… Nhưng cô bỏ ngoài tai. Cô cho rằng anh cả nghĩ quá, mẹ quen rồi, làm mấy chốc là xong.

Thời gian cứ êm ả trôi cho đến ngày cô đang ở cơ quan thì nhận được điện thoại báo tin mẹ cô đang cấp cứu ở bệnh viện do ngất xỉu trong lúc đi chợ. Cô hốt hoảng gọi chồng, rồi chạy vào viện. Nhìn mẹ nằm thiêm thiếp, cô xót xa bởi đã lâu rồi cô chưa hỏi được mẹ một câu “mẹ có khỏe không”, cũng dường như đã lâu rồi cô không biết mẹ vui hay buồn, có tâm sự gì. Cô, đứa con gái được cưng chiều chỉ biết đón nhận sự yêu thương từ mẹ, mà không bao giờ mảy mảy nghĩ đến sự đáp đền. Bây giờ, đến  bát cháo cho mẹ ăn cô cũng phải đi mua chứ không thể tự nấu được. Rồi cô nhớ lại dạo này chồng cô ít ăn cơm nhà. Cô nhớ lại vẻ mặt anh khi trong ngày nghỉ anh đề nghị cô nấu vài món anh thích mà cô gạt đi. Bởi không phải cô, mà là mẹ mới là người chăm lo cho anh trước khi đi làm, đón anh mỗi tối về muộn. Và con trai cô, dường như cũng “thờ ơ” với mẹ, mà chỉ có quấn bà. Cô chưa bao giờ để ý đến điều đó…

Bây giờ nhìn mẹ, cô ân hận, xấu hổ nhận ra rằng, chồng mình còn thương mẹ vất vả, trong khi cô là con đẻ mà lại quá vô tâm. Có người mẹ và người chồng tuyệt vời, nhưng bản thân cô lại không biết nâng niu quý trọng. Cô ôm mẹ và khóc. Bao nhiêu năm trong vòng tay mẹ, cũng đã làm vợ, làm mẹ rồi, nhưng có lẽ bây giờ cô mới lớn.

Thời gian mẹ nằm viện, cô ngược xuôi vất vả cũng không làm xong mọi việc. Khi ấy cô mới thấm hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ, mới thấy rõ hơn sự vô tâm của mình. Không dễ gì để cô có thể làm chu toàn mọi việc như mẹ cô từng làm, nhưng cô tự nhủ lòng mình sẽ thay đổi. Cô không muốn làm búp bê của mẹ nữa.