Kinhtedothi - Trong những ngày qua, trên sông Nhuệ đoạn chảy qua địa phận xã Nhật Tửu (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) xảy ra hiện tượng cá chết nổi hàng loạt, tập trung nhiều nhất ở phía dưới chân cầu Nhật Tửu và trạm bơm nước thủy lợi, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Nhuệ. Ảnh Hoàng Hiếu
|
Liên quan tới vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với bà Trần Thị Tuyết Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ (đơn vị này được UBND TP Hà Nội giao quản lý hệ thống công trình thủy lợi, bao gồm: Hệ thống trục chính sông Nhuệ liên tỉnh Hà Nội - Hà Nam có tổng chiều dài 113,6km (gồm sông Nhuệ và các sông nhánh La Khê, Vân Đình, Duy Tiên), và hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam cho rằng, việc cá chết hàng loạt có thể là do nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng, kết hợp với việc thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, bà Hạnh nhấn mạnh, việc nước sông Nhuệ bị ô nhiễm đã diễn ra trong hàng chục năm nay. Thực tế, trên các đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận Hà Nội, thủy sản như tôm, cua, cá,… cũng không sống được.
Về nguyên nhân ô nhiễm, có thể nhận định là do quá trình xả thải không đảm bảo tiêu chuẩn của các đơn vị dọc tuyến sông Nhuệ. Tuy nhiên, phía Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển sông Nhuệ không có thẩm quyền cấp phép, quản lý, xử lý vấn đề xả thải nên không nắm được. Chính vì vậy, để làm rõ nguyên nhân cá chết có phải là do ô nhiễm bắt nguồn từ dòng chảy từ Hà Nội hay không, rất cần sự vào cuộc, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng của Sở NN&PTNT cũng như Sở TN&MT Hà Nội.