Tỉnh Cà Mau có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề nuôi cua, con cua từ lâu đã trở thành đối tượng nuôi chính, chỉ xếp sau con tôm. Theo thống kê, hiện nay diện tích nuôi cua toàn tỉnh khoảng hơn 250.000 ha theo hình thức xen canh kết hợp trong vùng chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng, với sản lượng khoảng 25 ngàn tấn/năm. Tại địa phương, cua được người dân nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác, chủ yếu là hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, bán thâm canh…
Người nuôi cua thiệt hại nặng nề do cua chết hàng loạt
Con cua Cà Mau được tỉnh xác định là mặt hàng chủ lực cấp tỉnh, được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nhiều năm qua, con cua đã góp phần không nhỏ cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng cua nuôi chết hàng loạt đã khiến nhiều nông dân gặp khó khăn. Một trong những địa phương đang gặp tình trạng này đó là huyện Đầm Dơi.
Gia đình ông Trần Hoàng Thái ở ấp Phú Nhuận, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi là một trong những hộ có diện tích nuôi lớn và đầu tư nhiều cho con cua. Có lúc, chỉ riêng con cua đã mang về cho gia đình ông thu nhập hơn 10 triệu đồng/ngày. Nhưng 2 tháng qua, nguồn thu này gần như mất trắng khi xảy ra tình trạng cua chết hàng loạt. “ Từ sau Tết đến nay, con cua bị đỏ mình, ốp vỏ rồi chết, lúc đầu còn ít, nhưng sau đó xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Tình trạng này còn xảy ra trên diện rộng ở nhiều hộ nuôi khác” – ông Thái chia sẻ.
Tại xã Tân Tiến, tình trạng cua chết kéo dài đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. “3 ha vuông tôm kết hợp nuôi cua của gia đình hơn một tháng qua không có cua để bán vì cua bị chết. Thông thường, mỗi con nước mỗi ngày bán được vài triệu đồng, hiện chỉ còn khoảng 100-200 ngàn đồng” - ông Nguyễn Hải Âu, ấp Thuận Long, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết.
Theo nhiều người dân, cua giống đều thả gối đầu liên tục để thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu. Những năm gần đây, khi vào mùa nắng thì cua chết, với tỷ lệ lên đến 70-80%. Ông Ðoàn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, thời gian gần đây tình trạng cua chết xảy ra hàng loạt, trên diện rộng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của bà con.
“Xã vận động người dân áp dụng các quy trình kỹ thuật trong xử lý theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Những hộ có cua chết, xã vận động không tiếp tục thả giống, đồng thời rải vôi khử khuẩn trong khu vực vuông nuôi. Ngoài ra, vận động các hộ dân lân cận vệ sinh ao nuôi, chờ đến khi có khuyến cáo của ngành chuyên môn mới thả nuôi vụ mới” - ông Đoàn Chí Linh nói.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau ra công văn hoả tốc
Mặc dù địa phương và cơ quan chức năng đã bố trí kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật, thậm chí mời kỹ sư từ các trường Đại học về cùng tìm cách khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để. Tình trạng cua chết trong thời gian cao điểm nắng nóng đã diễn ra liên tục khoảng 3 năm gần đây. Ða phần cua chết đều bị đen mang, nhợt màu, bộng thịt... Các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến cua chết là do bị nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ, nhưng chưa khuyến cáo được cách phòng ngừa hữu hiệu.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho hơn 1.900ha cua nuôi trên địa bàn vùng mặn của tỉnh bị thiệt hại, ảnh hưởng thu nhập của hơn 500 hộ dân. Cua nuôi bị chết tập trung nhiều trên địa bàn huyện Đầm Dơi (hơn 1.200ha) và huyện Năm Căn (hơn 600ha)…
Trước tình hình một số nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra hiện tượng cua nuôi bị chết, làm ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo hỏa tốc. Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu, UBND các huyện, TP Cà Mau và các sở, ngành, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến cua nuôi bị chết, nhất là tại huyện Ðầm Dơi, Năm Căn.
Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, để người dân biết, chủ động thực hiện, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Ðồng thời, rà soát, triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh đúng quy định (nếu đủ điều kiện). Sở Khoa học và Công nghệ rà soát tình hình nghiên cứu, triển khai thực hiện đề tài, giải pháp khắc phục cua nuôi bị chết và các đề xuất có liên quan.