Kinhtedothi - Cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính đối với mỗi hành vi vi phạm là cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 75 triệu đồng...
Ảnh minh họa.
Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa vừa được Chính phủ ban hành.Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tại Việt Nam.
Các hành vi vi phạm quy định về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa và tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa ở ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải cũng được áp dụng các quy định xử phạt tại Nghị định này.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là 1 năm. Đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính đối với mỗi hành vi vi phạm là cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 75 triệu đồng (đối với cá nhân). Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1-6 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-3 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.