Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả nước có 33 doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) - Bộ Công Thương vừa có báo cáo về hoạt động bán hàng đa cấp năm 2017.

Theo đó, tính đến hết tháng 12/2017, số lượng DN có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn 34 DN (giảm 20% so với đầu năm 2017), trong đó có 32 DN đang hoạt động và 2 DN tạm dừng hoạt động. Còn tính đến hết tháng 3/2018, số lượng DN giảm xuống còn 33 DN do có 1 DN chấm dứt hoạt động.

Về số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, theo số liệu báo cáo của CT&BVNTD, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp trên toàn ngành tính đến tháng 12/2017 là 707.330 người, tăng 69.693 người (khoảng 11 %) so với cuối năm 2016.

 

DN có số lượng người tham gia lớn nhất là Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân với 371.547 người, chiếm khoảng 52,53 % tổng số người tham gia trên toàn quốc. Các DN có số lượng người tham gia lớn tiếp theo là Công ty TNHH Amway Việt Nam (khoảng 11,18%), Công ty TNHH New Image Việt Nam (khoảng 10,12 %), Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam (khoảng 6,21 %) và Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam (khoảng 4%). Tổng số người tham gia bán hàng đa cấp của 5 DN này đã chiếm đến 84,47 %.

Về quy mô, theo số liệu báo cáo của 31 DN có số liệu về người tham gia, có 1 DN có số lượng người tham gia đạt trên 100.000 người, 8 DN có số lượng người tham gia từ 10.000 đến dưới 100.000 người, 12 DN có số lượng người tham gia từ 1.000 đến dưới 10.000 người, 8 DN có số lượng người tham gia từ 100 đến 1.000 người, 2 DN chỉ có dưới 100 người tham gia.

Về doanh thu, theo số liệu báo cáo của 36 DN, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2017 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 330 tỷ đồng so với doanh thu năm 2016. DN có doanh thu lớn nhất là Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam với hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 25,62%; 3 DN khác có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng là Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân, Công ty TNHH AMWAY Việt Nam và Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam. Các DN còn lại đều có doanh thu dưới 500 tỷ đồng. Tổng doanh thu của 10 DN có kết quả kinh doanh tốt nhất trong năm 2017 chiếm 94,3% tổng doanh thu toàn ngành.

Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (71%), và mỹ phẩm (23%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm khoảng 6%. Cơ cấu phân bố tỷ lệ sản phẩm kinh doanh theo mô hình đa cấp không thay đổi nhiều so với cơ cấu phân bố tỷ lệ sản phẩm của năm 2016.

Năm 2017, có 5 DN nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không có DN nào được cấp vì không đáp ứng đủ điều kiện. Cục CT&BVNTD khẳng định, đơn vị này chủ yếu thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận, trong đó cấp xác nhận sửa đổi bổ sung cho 47 hồ sơ, trả lại 9 hồ sơ do hồ sơ không đạt yêu cầu và DN tự rút hồ sơ.

Đáng chú ý, trong năm 2017, Bộ Công Thương đã cấp 770 chứng chỉ Đào tạo viên bán hàng đa cấp theo yêu cầu của 22 DN. Đồng thời cũng đã thu hồi 34 chứng chỉ đào tạo viên bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, Cục CT&BVNTD đã xử phạt 10 DN bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật, với tổng số tiền phạt 1,8 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 2 DN. Ngoài ra, đơn vị cũng kết thúc việc kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp đối với 1 DN và đang tiến hành các thủ tục để xử lý vi phạm của DN này.

Ánh Ngọc