Hiện, Hội Khuyến học Việt Nam đang hoàn tất công tác Đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III - năm 2013 vào ngày 9/10.
Học sinh nghèo tỉnh Đắc Lắk nhận học bổng tháng 9/2013. |
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Nếu như tại Đại hội toàn quốc biểu dương các Gia đình hiếu học tiêu biểu (2004), nghĩa là chỉ tôn vinh danh hiệu Gia đình hiếu học, thì đến Đại hội lần thứ II, phong trào thi đua đã tôn vinh 2 danh hiệu. Đó là danh hiệu Gia đình hiếu học và Dòng họ khuyến học. Tại Đại hội này, chúng ta tôn vinh 3 danh hiệu: Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học”. Theo GS Dong, sự tăng lên về số lượng các danh hiệu và số đơn vị đăng ký đạt các danh hiệu cho thấy quy mô của phong trào thi đua khuyến học đã tăng lên rất nhanh, đồng thời, phong trào đã bắt rễ và bám chặt vào cộng đồng cơ sở. Riêng về danh hiệu Cộng đồng khuyến học, sau Đại hội II, phần lớn các cộng đồng được tặng danh hiệu thường gắn với tổ dân phố, xóm thôn, phum sóc, ấp, khóm như tổ dân phố khuyến học, ấp khuyến học, xứ đạo khuyến học, nhà chùa khuyến học. Khoảng 3 năm trở lại đây, các cộng đồng khuyến học có xu hướng phát triển trong nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, quân đội, đoàn thể xã hội như doanh nghiệp khuyến học, xí nghiệp khuyến học, cơ quan khuyến học … Xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học là một nội dung trọng tâm của chương trình hoạt động khuyến học và là động lực thúc đẩy các chương trình khuyến học khác. Cụ thể, trong chỉ số phấn đấu của gia đình hiếu học, những con em trong gia đình phải đạt yêu cầu có thành tích học tập từ trung bình trở lên, đồng thời không mắc vào các vụ việc tiêu cực khác tại học đường, trên đường phố vào trong đời sống của cộng đồng dân cư. Hiện nay, trong cả nước đã có trên 5,5 triệu gia đình hiếu học, điều đó có nghĩa là, chí ít chúng ta đã có trên 5,5 học sinh, sinh viên học hành chăm chỉ, tư cách đạo đức tốt. Chỉ xét về cuộc vận động xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì gia đình hiếu học là một nhân tố có tác dụng tích cực trong cuộc vận động này - GS Dong nhấn mạnh. Vận động người lớn tham gia học tập suốt đời Yêu cầu đối với Gia đình hiếu học và Dòng họ hiếu học là mỗi gia đình hiếu học có ít nhất 1 hội viên khuyến học, mỗi dòng tộc hiếu học có 1 chi hội (hay 1 ban) khuyến học. Chính yêu cầu này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng số lượng hội viên Hội Khuyến học lên tới gần 11 triệu người, chiếm trên 12% dân số trong cả nước. Như vậy, gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học là yếu tố hết sức cần thiết đối với công tác tổ chức và công tác hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam. GS Phạm Tất Dong cho biết, Hội Khuyến học rất cần những giải pháp và cơ chế vận động người lớn tham gia học tập suốt đời. Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học trách nhiệm bảo đảm người lớn trong gia đình, trong dòng họ, trong cộng đồng tham gia một hoặc nhiều hình thức học tại các thiết chế giáo dục không chính quy, tạo cơ hội và điều kiện để ai cũng học và ai cũng tham gia thúc đẩy việc học tập của người khác. Số người lớn học tại các cơ sở giáo dục không chính quy trong mấy năm vừa qua, tính trung bình khoảng 12 triệu lượt người/năm. Trong số này, hầu hết đều chịu sự tác động của gia đình, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học. Sự phát triển các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học đã gia tăng số lượng các loại quỹ khuyến học, tích lũy đáng kể lượng tiền dùng vào việc khuyến học, khuyến tài. Trong phong trào chung phát triển các loại hình quỹ khuyến học, hiện nay đã có quỹ khuyến học của gia đình, của dòng họ, của cộng đồng bên cạnh các quỹ khuyến học của các tổ chức, của các cấp Hội Khuyến học như quỹ khuyến học của tỉnh hội, huyện hội và quỹ khuyến học của các chi hội cơ sở hoặc các Ban khuyến học.