Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả nước hiện có 3 ổ dịch cúm A/H5N6, nguy cơ lây lan cao

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Theo thông báo mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cả nước hiện có 3 ổ dịch cúm A/H5N6 chưa qua 21 ngày tại xã An Hưng và xã An Hồng thuộc huyện An Dương, thành phố Hải Phòng; xã Diễn Liên thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Do đó, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Cán bộ thú y phun khử trùng cho nhà dân khu vực xung quanh ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã An Hồng, An Dương, Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Bên cạnh đó, chủ động giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng virus cúm gia cầm có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và gây bệnh ở người...
Trước đó, tại xã An Hưng và An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, cơ quan chức năng đã phát hiện 2 ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm.
Đây là ổ dịch thứ 3 xảy ra tại An Dương từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đàn gia cầm nhiễm cúm A/H5N6 là do không được tiêm phòng đầy đủ.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, các ngành chức năng lập biên bản cho xử lý tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm của hộ ông Hoàng Văn Mấm, xã An Hồng và hộ ông Nguyễn Đức Trường, xã An Hưng, huyện An Dương theo quy định; kiểm tra, thực hiện khử trùng tiêu độc các hố tự chôn hủy gia cầm của gia đình và khu vực xung quanh, thành lập chốt kiểm dịch.
Chi cục Thú y Hải Phòng đã yêu cầu vùng dịch thực hiện tốt vệ sinh phòng dịch.
Đối với các xã chưa có dịch, cần tăng cường giám sát dịch tới tận các hộ chăn nuôi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan; thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh.
Khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bất thường, cần phải báo cáo với chính quyền địa phương, trạm chăn nuôi và thú y để có biện pháp xử lý kịp thời, không lây lan dịch bệnh
Đối với dịch lở mồm long móng, Cục Thú y nhận định, nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.
Do đó, các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch...
Cục Thú y cũng lưu ý, trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch tai xanh nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.
Do vậy, các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan./.