Cả nước sắp hết máu điều trị

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và sự ổn định của toàn xã hội.

Nhưng có một nguy cơ khác, là một trong những hệ lụy của dịch, sẽ đến còn nhanh hơn ảnh hưởng thực sự của dịch nCoV và mang nguy cơ cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc - đó là thiếu máu cho người bệnh.
Chỉ dám dùng dè sẻn
Bác sĩ Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều địa phương trong cả nước xảy ra tình trạng khan hiếm máu. Nguyên nhân là kỳ nghỉ kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, máu là chế phẩm sinh học tuy được dự trữ nhưng có hạn sử dụng rất ngắn, trong khi người bệnh vẫn cần truyền máu trong cả Tết. Đặc biệt, vào thời điểm hiện tại, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đang diễn biến phức tạp, kéo theo hệ lụy là tình trạng thiếu máu cho điều trị càng trầm trọng hơn.
Từ 29 tháng Chạp đến nay, toàn Viện chỉ tiếp nhận được 470 đơn vị máu. Cả trong và sau Tết, Viện đã huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên đi hiến máu nhưng vẫn chỉ như “muối bỏ biển”. Hiện lượng máu dự trữ của viện chỉ còn 6.700 đơn vị.
 TS Trần Ngọc Quế - Giám đốc Ngân hàng tế bào gốc, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư hiến máu cuối tuần qua
Trong khi mỗi ngày, các bệnh viện cần tới 1.500 đơn vị. Riêng trong ngày 3/2, các bệnh viện đã dự trù 1.448 đơn vị máu, nhưng chỉ có thể cung cấp 766 đơn vị (53% so với dự trù). Nếu cứ tiếp tục dùng máu như bình thường, lượng máu này chỉ đủ cầm cự trong 4 ngày. Do vậy, bên cạnh việc hạn chế chỉ định sử dụng máu, ưu tiên các trường hợp nặng, các bệnh nhân muốn truyền máu phải huy động được người nhà đến hiến.
Khoa Điều chế các thành phần máu tại Viện có hơn 80 nhân viên, có thể xử lý 1.500 - 2.000 đơn vị máu/ngày. Tuy nhiên, số máu tiếp nhận trong vài ngày gần đây, mỗi ngày chỉ đạt hơn 100 đơn vị nên cả khu vực rộng lớn chỉ có vài người làm việc. Tại kho máu, các ngăn tủ chứa máu nhóm A và nhóm O gần như trống trơn. Lượng máu nhóm A tại kho chỉ còn hơn 400 đơn vị, không đủ dùng trong một ngày. Hồng cầu, tiểu cầu cũng đang thiếu hụt trầm trọng.
Tình trạng khan hiếm máu cho điều trị cũng xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ... Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học (TP Hồ Chí Minh) Phù Chí Dũng cho biết, thông thường sau Tết Nguyên đán, Bệnh viện Truyền máu huyết học thu 800 - 1.000 túi máu/ngày, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 200 - 300 túi máu/ngày. Nguyên nhân được cho là người dân e ngại tập trung nơi đông người trước virus Corona.

Nỗi niềm người bệnh

Chị Nguyễn Thị Thiên, vợ bệnh nhân Nguyễn Trọng Hùng, điều trị tại Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư chia sẻ: “Chồng tôi được về quê ăn Tết một phần cũng nhờ những giọt máu của người hiến máu. Chỉ mong mọi người có thể tranh thủ thời gian cho đi những giọt máu quý giá của mình để cứu người. Hiến máu, vừa có thể phòng bệnh cho bản thân và cũng vừa cứu người”.
Nhiều em bé mang bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) đang ngày đêm chống chọi bệnh tật, suốt đời sống bằng máu người khác. Nếu không đủ máu điều trị, tiên lượng xấu nhất có thể đến với bệnh nhân. Chị Nguyễn Thị Liễu (thị trấn Cao Phong, Hòa Bình) - mẹ bệnh nhi Thalassemia đang điều trị bệnh tại Viện tâm sự nhói lòng: “Niềm mong muốn lớn nhất của gia đình tôi hiện nay là đủ máu điều trị cho con. Nghe bác sĩ thông báo nguồn máu khan hiếm, chúng tôi ngày đêm không ngủ. Chẳng biết đến ngày mai, con mình còn được truyền máu hay không”.
Còn chị Đỗ Thị Hồng Nhung (quê Cẩm Phả, Quảng Ninh) mỗi tháng phải nhập viện một lần để điều trị bệnh Thalassemia. Nếu may mắn gặp lúc lượng máu dồi dào, chị sẽ được truyền 2 đơn vị, khi thiếu thì được một. Nhưng lần này, chị đã chờ đợi mấy ngày mà vẫn chưa được truyền đơn vị máu nhóm O nào. Chỉ số huyết sắc tố của chị lúc nhập viện là 69 g/l (trong khi người bình thường là 120 - 150g/l) và vẫn đang tiếp tục giảm. Niềm mong mỏi của chị và nhiều người bệnh là được truyền máu để tiếp tục sự sống.

Viện kêu gọi người dân hiến máu

Bác sĩ Phạm Tuấn Dương cho hay, nhiều lịch hiến máu đã được lên kế hoạch từ trước nhưng đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn trước nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV. Bởi vậy, lượng máu dự kiến tiếp nhận trong những ngày tới cũng chỉ vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày. Con số này quá ít so với nhu cầu 2.500 - 3.000 đơn vị máu cần cung cấp cho các bệnh viện mỗi ngày ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chưa kể các địa phương khác trong cả nước.
“Nếu không có thêm lịch hiến máu, với số lượng bệnh nhân nhập viện để khám chữa bệnh lại đang tăng lên từng ngày sau kỳ nghỉ Tết, thì nguồn dự trữ máu ở tất cả cơ sở y tế đều ở mức đe dọa, không còn bảo đảm khả năng cấp cứu, điều trị” - bác sĩ Dương nói.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã có công văn báo cáo Bộ Y tế để được phép huy động vận động nhiều người hiến máu song song với tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Viện kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu (đặc biệt nhóm O, A), tiểu cầu. Đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu.

Tại Hà Nội, người dân có thể mang theo giấy tờ tùy thân đến các điểm sau để tham gia hiến máu: Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8 giờ đến 20 giờ tất cả các ngày (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ).

Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội ở địa chỉ: 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm), 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và số 10, ngõ 122 đường Láng (quận Đống Đa); từ 8 giờ đến 17 giờ các ngày thứ Hai đến thứ Bảy.