Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ca sĩ nên tự ý thức hình ảnh, tránh "thời trang bát nháo"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nhà thiết kế, stylist cho rằng cần lên tiếng mạnh trước chuyện ăn mặc thoáng, sexy quá đà của một bộ phận ca sĩ. Bên cạnh sự quản lý của cơ quan chức năng, ca sĩ nên chịu trách nhiệm về hình ảnh của mình trước công chúng.

Trao đổi với PV, nhà thiết kế Văn Thành Công cho rằng, việc nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ nữ ăn mặc ngày càng gợi cảm, thoáng mát khi biểu diễn chính là nguyên nhân của nhiều sự cố về trang phục trên sân khấu.
 
"Làm đẹp là một trong những nhu cầu cần thiết và quan trọng của người nghệ sĩ. Nhưng nếu quá đà với nhu cầu này đến nỗi không phân biệt được bộ trang phục nào chỉ có thể mặc trong quán bar, vũ trường, phòng trà và bộ trang phục nào nên sử dụng khi tham gia chương trình từ thiện, hoạt động xã hội thì tình hình rất cần chấn chỉnh", Văn Thành Công nói.
 
Trước câu hỏi: "Vì sao các ca sĩ lại có xu hướng ăn mặc như thế?", Văn Thành Công nêu lý giải riêng của anh: "Có thể là do hiện nay, nghệ sĩ giải phẫu thẩm mỹ nhiều nên họ tự tin hơn ở cơ thể mình, và có nhu cầu phô bày đường cong trước công chúng".
 
Gần giống với lý giải này, stylist Vô Thường cho rằng, hiện nay, giới biểu diễn "chuộng" phô bày cơ thể vì giải phẫu thẩm mỹ khiến hình ảnh họ khác với trước đây, từ đó thúc đẩy nhu cầu thể hiện bản thân. "Áp lực của người nghệ sĩ buộc họ phải luôn tìm cách tỏa sáng, nổi bật, cộng thêm sự sân si nhiều quá khiến nghệ sĩ quên mất bối cảnh, hoàn cảnh và chương trình mà họ xuất hiện. Như vậy tất yêu dẫn đến những phản cảm trên sân khấu", Vô Thường nói.
 
Là một đạo diễn hình ảnh, thường xuyên được mời tham dự các event, đêm diễn, đạo diễn hình ảnh Vô Thường cho biết, nhiều khi anh phát ngại khi được xếp ngồi ở hàng ghế đầu, sát sân khấu. Dưới ánh đèn, nhiều ca sĩ quá hớ hênh đến mức "lộ hàng" như cơm bữa, khiến người xem "bỏng mắt".
 
Còn nhà thiết kế Quỳnh Paris lại có cách mổ xẻ khác. Theo chị, so với các nghệ sĩ nước ngoài thì độ gợi cảm, quái lạ, hở hang của ca sĩ trong nước vẫn còn thua xa. "Tôi thấy các nữ nghệ sĩ ăn mặc có chừng mực và đôi khi phá cách, nhưng vì ngôn ngữ hình thể của họ chưa được đầu tư nên lắm lúc chúng ta phải chứng kiến nhiều cảnh phải... đỏ mặt", chị nói.
 
Về chuyện ăn mặc của giới biểu diễn, nhà thiết kế trẻ Chung Thanh Phong, người đang hợp tác với rất nhiều ca sĩ hiện nay, cho biết, nhìn chung các ca sĩ tên tuổi đều có gu ăn mặc nên khi làm việc với họ anh cảm thấy rất thoải mái.
 
"Chưa có một nghệ sĩ tên tuổi nào đến tìm tôi mà đề nghị phải thiết kế một trang phục hở chỗ này hở chỗ kia để thu hút sự chú ý. Phần lớn họ cần phục trang phù hợp với dáng người, bài hát họ thể hiện. Tuy vậy, không thể phủ nhận là có một bộ phận ca sĩ chỉ muốn mặc theo sở thích mà quên rằng nó có phù hợp với bản thân lẫn không gian, thời gian và địa điểm của chương trình mình tham dự hay không", anh khẳng định.
 
Khi bàn về việc chấn chỉnh hiện trạng "thời trang bát nháo" của các nghệ sĩ, stylist Vô Thường nhắc lại việc Trương Tri Trúc Diễm vô tình "lộ nội y" trong chương trình Vẻ đẹp đêm Giáng sinh năm 2010 làm ví dụ. Anh nhận xét, có những trường hợp, người nghệ sĩ không cố ý hớ hênh khi biểu diễn, mà do không làm chủ được tình huống. "Do đó, người nghệ sĩ cần biết cách bảo vệ hình ảnh của mình trước khi có người khác bảo vệ mình", anh nói.
 
"Vẻ gợi cảm, thu hút của một con người không chỉ được đánh giá qua cơ thể của họ mà còn thể hiện ở ánh mắt, tố chất, nội lực tỏa ra từ bên trong, nếu phô quá thì có thể bị hiểu lệch lạc hoặc cho là khiêu dâm", nhà thiết kế Chung Thanh Phong nói.
 
Nhà thiết kế trẻ góp ý, đa số ca sĩ không thể vừa lo mọi việc, vừa tự định hình cho phong cách thời trang của họ: "Bản thân ca sĩ đã phải vất vả tập trung rèn kỹ năng chuyên môn để hát, nhảy sao cho hay và phục vụ khán giả. Vì thế, bên cạnh gu thẩm mỹ của bản thân, họ rất cần những người xung quanh, êkíp tư vấn cũng như ban tổ chức chương trình quan sát, chấn chỉnh kịp thời".