Tại TP Hồ Chí Minh, nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng thiết yếu phục vụ người khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 đã được triển khai, với mục tiêu "lấy sức dân chăm lo cho dân" và huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội để hỗ trợ an sinh cho người dân. Như chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu, mục đích của việc thành lập Trung tâm nhằm tập trung chia sẻ, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch trên địa bàn, không để người lao động mất việc làm, lâm vào khó khăn cùng cực, trường hợp đặc biệt khó khăn như những người bán vé số, xe ôm, buôn gánh, bán bưng, kiếm sống hằng ngày trên đường phố, những người yếu thế trong xã hội. Lãnh đạo thành phố luôn xác định việc ổn định đời sống của người dân, duy trì sản xuất kinh doanh của DN để cùng nhau vượt qua khó khăn trong lúc này là điều rất quan trọng.
Hiện rất nhiều mô hình để hỗ trợ an sinh khác cũng đang được triển khai rộng khắp như “ATM việc làm cộng đồng”, “ATM phòng trọ cộng đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Túi an sinh”… Tất cả đều mong muốn góp thêm một phần nhỏ để người dân vơi bớt khó khăn, an tâm chống dịch.Tại Hà Nội, để có thêm nguồn lực chống dịch và kịp thời hỗ trợ những người gặp khó, Ủy ban MTTQ TP đã triển khai chương trình “Đoàn kết chống dịch” hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Fanpage: “Đoàn kết chống dịch”. Mới sau hơn một tuần triển khai hoạt động, đường dây nóng của MTTQ các cấp đã nhận trên 2.075 cuộc gọi, tin nhắn đề nghị giúp đỡ, xin tư vấn về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TP cho người lao động… Sau khi xác minh những cuộc gọi, tin nhắn đề nghị hỗ trợ, MTTQ các cấp đã trao hỗ trợ cho 325 trường hợp (số còn lại là đề nghị tư vấn, thông tin không chính xác hoặc đối tượng không thực sự khó khăn,…). Đó không chỉ là những lao động phải ở lại trong những khu nhà trọ, những sinh viên chưa kịp về quê, người lên thành phố chữa bệnh, mà còn có cả những người dân thành phố đang gặp khó khăn, không có việc làm khi dịch Covid-19 kéo dài…Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ trên 84.000 suất quà, trị giá trên 32 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức “Chợ 0 đồng” tặng 2.021 suất cho những người khó khăn do dịch bệnh trị giá 785 triệu đồng tại các quận: Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng… Những phần quà thiết yếu được trao đến tận tay người dân chính là sự quan tâm chăm lo, giúp đỡ, san sẻ phần nào khó khăn với người dân của chính quyền, các đơn vị, nhà hảo tâm…Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ sở Đoàn tại Hà Nội đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động, phần việc ý nghĩa trong Ngày hội “Chiến sĩ Hoa phượng đỏ”. Các hoạt động tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, giúp đỡ người dân gặp khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản... Đáng chú ý, các mô hình “Bữa ăn 0 đồng”, “Rau muống 0 đồng”… của tuổi trẻ quận Nam Từ Liêm tiếp tục được thực hiện nhằm hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Quận đoàn Đống Đa tiếp tục trao tặng 1 tấn rau cho người dân các phường Ngã Tư Sở, Trung Liệt, khu vực cách ly…Từ ngày 24/7 đến 16/8, thông qua chuyến "Xe buýt siêu thị 0 đồng", LĐLĐ TP Hà Nội cũng đã vận chuyển các túi quà "An sinh Công đoàn" hỗ trợ kịp thời hơn 16.000 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn ở các DN, khu nhà trọ, khu công nghiệp và chế xuất… Ngoài ra, các cấp công đoàn thành phố đã tổ chức 34 "Siêu thị 0 đồng", "Chuyến xe siêu thị 0 đồng" để vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ khẩn cấp 16.526 "Túi An sinh Công đoàn" tới người lao động với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.Khi những người lao động, họ nghèo vốn đã khó khăn, ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, càng thấm thía hơn câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Như nhiều người chia sẻ khi được nhận hỗ trợ, trong những lúc khó khăn bủa vây, còn gì xúc động hơn khi được quan tâm, không còn lo bị đói. Món quà không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn là món quà tinh thần tiếp thêm động lực, thêm niềm tin để vững tâm thực hiện giãn cách xã hội. An sinh – chính là một chìa khóa tạo thêm động lực để chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch.