KTĐT - Vào hàng thịt bò, chị Xuân hỏi mua nậm loại… 2 nhưng hết hàng. Thoáng chút ngại ngần, chị nì nèo người bán hàng nhặt ra những miếng “kém ngon” trong nậm loại 1 với mức giá mềm hơn.
Hàng hóa ào ào tăng giá trong khi túi tiền có hạn buộc các bà nội trợ phải nghĩ ra đủ cách để có thể “sống chung” với giá cả mới. Trong cách đi chợ, mua sắm hàng ngày của hầu hết mọi người đều ít nhiều khác với trước để chi tiêu sao cho hiệu quả nhất. Bên cạnh nhiều người tranh thủ đi chợ đầu mối vào sáng sớm để mua cho được thực phẩm giá rẻ thì cũng không ít người lại chờ… chợ sắp vãn, khi người bán hạ giá dù hàng kém tươi hơn ngon hơn để mua hàng.
Chiều chủ nhật, sau 5 giờ chiều chị Trương Anh Xuân, nhà ở phường Thạnh Xuân (Q.12) mới ra chợ An Phú Đông mua đồ ăn. Chị rong ruổi khu vực bên ngoài mua ít thực phẩm khô cho đến khi khu vực thực phẩm tươi sống phía trong sắp dọn hàng mới… nhanh chân ghé vào. Lướt thêm một vòng qua các hàng cá thịt, chị quyết định dừng ở hàng thịt bò. “Lâu lắm rồi không dám ăn thịt bò, cả nhà đều thèm!”, chị nói.
Chị mua nậm bò, thứ rẻ nhất nhưng cũng chỉ còn nậm loại 1 giá 12.500 đồng/lạng, nậm loại 2 (một nửa là mỡ) 10.000 đồng đã hết sạch. Với khoản tiền chỉ 40.000 đồng cho bữa tối, chị Xuân đành… nài nỉ cô bán hàng chọn những phần “kém ngon” trong nậm loại 1 với mức giá 11.000 đồng. Đưa tay nhặt những miếng thịt nhiều mỡ, cô bán hàng nói: “Cuối này chị mới bán vậy đó. Chứ giờ thịt loại càng… tệ càng đắt khách, chỉ ế thịt ngon”. 2,5 lạng thịt của chị Xuân đã “ngốn” hết gần 30.000 đồng.
Chị Xuân ghé hàng thịt heo để mua thịt cuối ngày với mức giá rẻ hơn buổi sáng 5.000 đồng/ký để cho ngày mai. “Mọi thứ đắt đỏ, đành phải chấp nhận vậy”, chị phân trần.
Phía mấy hàng cá bán ế… tràn ra ngoài đường, rất nhiều chị em đang xúm lại mua. Khi giá các loại thịt tăng giá cao thì đây là thực phẩm được nhiều người lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày. Cá cũng có loại 1, loại 2… với giá chênh nhau đáng kể.
Chọn 4 con cá rô đã cứng đuôi với giá 35.000 đồng/kg, rẻ hơn loại cá tươi 15.000 đồng/kg, chị Hoan, công nhân vệ sinh môi trường cho biết từ hôm ra Tết, chị đã phải chọn những loại thực phẩm “kém tươi” mới lo nổi bữa ăn cho gia đình. “Về nhà tôi chịu khó ướp nhiều gia vị hơn để khử mùi. Trước đây, cả nhà phải ăn 5 con mới đủ bữa giờ phải giảm xuống bởi các chi phí như điện, ga, rau củ… đều tăng lên”.
Chị Hoan cho biết thêm, các loại rau củ mua sát giờ… chợ nghỉ đều rẻ hơn. Chị chỉ vào túi rau của mình, khoe: “Rau cải 4.000 đồng /bó, giờ còn còn 2.500 đồng, dưa leo 14.000 đồng giờ mua còn 11.000 đồng… Kém ngon hơn nhưng lúc này mình chỉ mong mua được hàng rẻ”.
Giá cả tăng, người mua hàng trở nên khó tính, kỹ lưỡng hơn
“Cả nửa tháng nay tôi đi chợ chiều mua thực phẩm “ế” mà còn khó cầm cự. Hàng chiều tất nhiên không tươi ngon nhưng cũng có hôm mua được hàng tốt mà giá phải chăng. Một ngày như vậy tôi cũng tiết kiệm được được khoảng chục nghìn”, cô Tiến nói.
Vợ chồng cô Tiến đều là viên chức nhà nước, thu nhập không tăng trong khi giá cả nhiều thứ đồng loạt tăng nên mọi chi tiêu đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trong tháng 3 vừa rồi, chi tiêu trong gia đình đã “thâm” một khoản đáng kể nên cô lại càng “kỹ tĩnh” khi ra chợ.
Hàng ngày cô chỉ quanh quẩn với tiền thịt cá rau củ đến mức nhức cả đầu: “Hai cháu nhà tôi đều đang học đại học, sắp tới nghe nói học phí lại tăng, thiệt tình không biết lấy khoản nào để bù. Ăn uống còn có thể cắt giảm, xoay đây xoay đó chứ tiền học của con, xoay thế nào?”
Không chỉ thịt cá mà đến các loại rau củ loại 2, loại 3 cũng trở nên hút khách hơn khi giá cả tăng. Thực phẩm loại 1 tươi ngon chủ yếu chỉ dành cho những gia đình có điều kiện, còn lại khi mua khách hàng rất cân nhắc, mua rất ít.
“Thịt bò loại ngon lên đến 170.000 đồng/kg, mấy ai dám ăn nên người ta sẽ mua những loại kém ngon, rẻ hơn… Về chiều nếu ế, chúng tôi thường giảm giá chút đỉnh nên khách hay nhằm giờ này để mua”, một người bán thịt bò tại chợ Nguyễn Thái Bình (Q.1) cho biết.