Trong văn bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông thuỷ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thuỷ điện theo hình thức BOO, có dẫn ý kiến đánh giá của các bộ ngành, địa phương có liên quan. Các ý kiến đưa ra đều thể hiện sự đồng thuận với chủ trương đầu tư dự án này.
Các bộ "hứa" bổ sung vào hàng loạt quy hoạch
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị trước đó đã có đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án - “hứa” sẽ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến quản lý ngành (như bổ sung quy hoạch một số cảng chưa có trong quy hoạch) trong quá trình phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi.
Siêu dự án giao thông kết hợp thủy điện 1 tỷ USD được các chuyên gia đánh giá sẽ lấy đi vựa lúa đồng bằng sông Hồng và có nhiều tác động lớn đến kinh tế, xã hội.
|
Cùng thống nhất với sự cần thiết thực hiện dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, làm rõ nhu cầu sử dụng đất, các biện pháp phòng chống sạt lở và các tác động của dự án đến môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trong vùng dự án.
Phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, Bộ Công Thương đánh giá, đây là dự án đa mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông thuỷ kết hợp với thuỷ điện, thực hiện theo hình thức BOO phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư của Nhà nước. Về việc kết hợp khai thác thuỷ điện tại các đập dâng trong dự án, Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương giao Xuân Thiện Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu để đầu tư xây dựng theo đúng quy định hiện hành.
Trong trường hợp dự án được các cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương đầu tư, Bộ Công Thương yêu cầu nhà đầu tư tổ chức lập hồ sơ và trình Bộ này xem xét bổ sung các nhà máy thuỷ điện trong dự án vào quy hoạch thuỷ điện và quy hoạch phát triển điện lực theo quy định. Bộ Công Thương cũng lưu ý tới điều kiện địa chất, thủy văn, các phương án đấu nối điện cũng như hiệu quả kinh tế của nhà máy thuỷ điện.
Đồng quan điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Quốc Phòng và hai địa phương là UBND tỉnh Lào Cai, Yên Bái cũng thống nhất về chủ trương đầu tư của dự án. Trong đó, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu chủ đầu tư làm rõ tác động của dự án đến ngập lụt thương lưu, khả năng thoát lũ, bồi lắng, an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước cũng như lấy nước của hệ thống công trình thuỷ lợi 2 bên bở sông.
Bộ Xây dựng khẳng định thống nhất về chủ trương và hình thức đầu tư dự án. Tuy nhiên, Bộ này cũng lưu ý việc xây dựng đập dâng nước và âu tàu kết hợp với nhà máy thuỷ điện có nhiều tác động đến môi trường, dòng chảy, hệ sinh thái bên bờ sông Hồng, ảnh hưởng trực tiếp đến thuỷ lợi, tiêu thoát lũ… Vì vậy, cần có phương án giải quyết phát sinh thực tế, đảm bảo quyền lợi cho địa phương.
Băn khoăn về hiệu quả tài chính
Tham gia ý kiến về dự án này, Bộ Tài chính băn khoăn việc xây dựng thủy điện yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, do đó việc kết hợp công trình này với các cảng giao thương cần đánh giá tác động qua lại, rủi ro, có phương án giải quyết khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, cần đánh giá tác động của địa chấn đập đầu mối đến các cầu hiện có nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông trên các tuyến cầu.
Về tổng mức đầu tư, hồ sơ dự án báo cáo tổng mức 24.510 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 30% tức khoảng 7.353 tỷ đồng mà Xuân Thiện chỉ có vốn điều lệ 1.200 tỷ. Vì vậy, nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn chủ sở hữu để thực hiện.
Đối với nguồn thu từ bán điện giai đoạn 2021-2026 là 1.900 đồng/KWh và tăng dần trong các năm tiếp theo. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2020-2030, cơ cấu nguồn điện theo hướng thủy điện giảm dần, nguồn nhiệt điện than và điện tái tạo sẽ tăng lên, đồng thời ưu tiên vận hành nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc. Điều này đồng nghĩa với giá bán điện nguồn thủy điện sẽ cạnh tranh gay gắt hơn. Nhà đầu tư có thể đứng trước rủi ro không bán được điện do không cạnh tranh được về giá, không đảm bảo hiệu quả dự án.
Về ưu đãi mà Xuân Thiện đề xuất, Bộ Tài chính cho rằng việc hỗ trợ cơ chế giá bán điện đặc thù cho dự án cần nghiên cứu thêm bởi theo chủ trương của Chính phủ, giá điện được thực hiện theo thị trường cạnh tranh, ưu tiên huy động nguồn điện giá rẻ, thu mua từ thấp đến cao.
Về việc thu phí trên các luồng tuyến, nếu dự án được phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ thẩm định và ban hành thông tư về mức thu, đối tượng không thu… Dù được đầu tư hơn 1 tỷ USD, song Bộ Tài chính lại nhận định dự án không đảm bảo khả năng tự hoàn vốn. Dự án được xây dựng sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng núi phía Bắc vì vậy nếu được chấp thuận Bộ Tài Chính đề nghị các bộ ngành xây dựng cơ chế đặc thù cho dự án để đảm bảo tính khả thi.
Đóng góp ý kiến cho dự án này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, EVN chưa có đủ cơ sở xem xét để góp ý về sự cần thiết đầu tư 6 nhà máy thuỷ điện, công suất, sản lượng phát điện và hiệu quả kinh tế - tài chính của các dự án thuỷ điện trong hồ sơ. Ngoài ra, một số thành phần chi phí có yếu tố tăng cao trong thực tế chưa được tính toán trong tổng mức đầu tư các dự án thuỷ điện.