Theo nghiên cứu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông trên các trục, nút giao thông từ 6h30 đến 8h30 và từ 16h30 đến 18h30. Hầu hết người tham gia giao thông là học sinh, sinh viên, công chức, viên chức. Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có 685 trường tiểu học, 594 trường THCS, 194 trường THPT, 839 trường mầm non và 144 trường đại học, cao đẳng với hơn 1,3 triệu học sinh, sinh viên. Số cán bộ, công chức đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội khoảng 350.000. Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, cũng như góp ý của các sở, ngành liên quan, UBND thành phố đã đề xuất học sinh THPT, sinh viên sẽ vào học từ 7h đến 12h và từ 13h đến 18h; công chức, viên chức, học sinh mầm non, tiểu học sẽ bắt đầu học, làm việc từ 8h, kết thúc lúc 17h. Các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính, ngân hàng… sẽ mở cửa sau 9h và đóng cửa sau 19h. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giờ sẽ chỉ thực hiện ở 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm, nơi tập trung nhiều cơ quan, công sở, trường học và có mật độ phương tiện giao thông lớn.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đều khẳng định đồng thuận với phương án mà Hà Nội đề ra. Tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng đề xuất, giờ học của học sinh, sinh viên nên sớm hơn, sáng từ 6h30 đến 11h30 và chiều từ 13h30 đến 18h30. Đại diện Bộ Công thương cũng ủng hộ quan điểm này bởi học sinh trung học, sinh viên có thể đi lại độc lập. Nếu không giãn cách thời gian thì 1,6 triệu người đổ ra đường cùng lúc, ùn tắc giao thông là khó tránh. Vị này còn kiến nghị, các trường mầm non, tiểu học nên tổ chức thêm dịch vụ đón học sinh sớm, trả muộn để tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm công tác. Phó chánh văn phòng Bộ GD&ĐT Nguyễn Đình Mạnh nhận xét, việc điều chỉnh giờ làm, giờ học là cần thiết, nhưng phải hạn chế tối đa ảnh hưởng, xáo trộn trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Ông này kiến nghị, cần nghiên cứu, quan tâm đến thời gian làm việc của giáo viên và cân nhắc thêm giờ học của học sinh, sinh viên bởi phương án đưa ra khá sát với giờ làm của công chức, viên chức. Cục phó Cục An toàn lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) Phạm Gia Lượng đề nghị nghiên cứu có giờ học, làm việc mùa hè, mùa đông khác nhau để bảo đảm về yếu tố sinh học, sức khỏe. "Mỗi ý kiến đưa ra đều có lý lẽ riêng. Thay đổi thói quen của mỗi người là điều không dễ, Bộ GTVT cũng mong muốn có sự điều chỉnh giãn cách lớn để bảo đảm hạn chế ùn tắc", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng nhận xét. Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến để sớm hoàn thành báo cáo trình Chính phủ.