Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các chương trình mục tiêu quốc gia: Ý nghĩa lớn nhưng hiệu quả… thấp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều qua, 31/10, các ĐBQH tập trung thảo luận tại tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) 5 năm 2011 - 2015 và Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015…

Nhiều chỉ tiêu chưa đạt
 

Tại đoàn ĐBQH Hà Nội, đa số ý kiến cho rằng, Chương trình MTQG là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các địa phương khó khăn và có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại bày tỏ băn khoăn vì kết quả Chương trình đạt được thấp. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho biết, có 8 chương trình  MTQG có  nhiều chỉ tiêu không đạt, do mục tiêu một số chương trình không rõ, chồng chéo nhau, đến nay chưa đánh giá được. Chất lượng cũng chưa cao. ĐB Bùi Thị An lấy ví dụ, về chương trình dạy nghề đối với những khu vực nông thôn bị thu hồi đất. Có nhiều lớp dạy nghề được mở ra, số lượng người được đào tạo nghề rất cao, nhưng tỉ lệ người sống được với nghề được học lại rất ít, nên dòng người lao động nông thôn kéo ra TP để kiếm sống cao, gây quá tải nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Các doanh nghiệp (DN) nhận được đất thực hiện các dự án, chỉ nhận lao động chừng 3 tháng làm việc,  mang tính hình thức, đối phó… ĐB đề nghị đánh giá các chương trình này, tránh dàn trải.

Để các chương trình có hiệu quả, các ĐB đề nghị Chính phủ cơ cấu lại và đổi mới việc tổ chức triển khai. Theo ĐB Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp), hiện các chương trình MTQG giống như chương trình để tiêu tiền làm tăng lạm phát (từ 12 chương trình tăng lên 16 Chương trình như hiện nay). Trong khi vốn đã huy động là phải chịu lãi suất, mà việc triển khai thường rất chậm. Đối với địa phương đã nghèo thì lấy đâu vốn đối ứng. ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, hiện bộ máy các chương trình cồng kềnh, tồn tại quá nhiều ban bệ, chồng chéo,  lãng phí. ĐB đề nghị, QH đề cao trách nhiệm và ra tiêu chí cho các Ban quản lý các chương trình MTQG để quy trách nhiệm cá nhân khi các mục tiêu của Chương trình không hoàn thành. Ông cũng đề nghị, trong chương trình về phòng chống tội phạm, cần bổ sung Chương trình dạy nghề cho phạm nhân để sau khi hoàn lương có nghề nghiệp ổn định, không tái phạm tội.

Cần có cơ chế thu hút nguồn lực

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đồng tình với Chính phủ về mục tiêu 5 năm (2011 - 2015) huy động vốn trái phiếu là 225 nghìn tỷ đồng. Theo ĐB Hường, số tiền này so với nhu cầu phục vụ xây dựng nông thôn mới còn quá ít, do vậy cần khai thác nguồn lực trong xã hội, nhất là khối DN tư nhân. Nhà nước nên có cơ chế cho DN được hưởng lợi, mới kích  thích họ tham gia, nếu không có chính sách cụ thể thì chỉ như hô khẩu hiệu… Một số ý kiến đề nghị, đối với những dự án chậm tiến độ phải có biện pháp mạnh là thay chủ đầu tư. Đồng thời sớm sửa Luật Ngân sách để cố gắng vào năm 2014 thực hiện, đưa vốn trái phiếu Chính phủ hạch toán vào nguồn ngân sách; Bên cạnh đó, sớm cho ra Luật Đầu tư công để quản lý hiệu quả nguồn vốn Chính phủ.

Cùng ngày, QH đã nghe các báo cáo về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.