Để nâng cao NLCT, bên cạnh chính sách của Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến khu vực tư nhân, chính DN phải tự cứu mình bằng chiến lược phát triển bền vững, cạnh tranh bằng trách nhiệm xã hội song song với giá rẻ, chất lượng và sự khác biệt của sản phẩm.
Ông Nguyễn Quang Vinh Tổng Thư ký Hội đồng DN Việt Nam
|
Chưa tận dụng tốt cơ hội
Tại Hội thảo "Tái xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thông qua tăng cường khả năng thích ứng trước các rủi ro" ngày 6/12 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định, thực tế chỉ số NLCT của Việt Nam hai năm 2011 - 2012 đã tụt 14 bậc, và hiện vẫn chỉ là nền kinh tế gia công lắp ráp.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam mới bước vào kinh tế thị trường nhưng phát triển thời gian qua mang nặng tính tự phát khiến thị trường nào cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Một dẫn chứng cụ thể, mặc dù Việt Nam là một trong số ít quốc gia thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, mặc dù lượng FDI liên tục tăng cao nhưng trình độ, năng suất lao động vẫn chưa được cải thiện. "Đã có không ít cơ hội để cải thiện chất lượng cạnh tranh nhưng đã không tận dụng hiệu quả" - ông Thiên nói.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Việt Nam nên nhìn đến nguồn nhân lực trẻ từ nông thôn nếu được đào tạo tốt sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho nền kinh tế. Tập đoàn Samsung Galaxy mở một nhà máy mới hiện đại ở Việt Nam bởi thấy được các công nhân, kỹ sư Việt Nam rất ham học hỏi, thường có ý tưởng hay. Cũng theo ông Bình: "Việt Nam cần bổ sung vào công tác giáo dục đào tạo hai nhiệm vụ mới, đó là tạo công ăn việc làm và "thế giới hóa" nguồn nhân lực. Như thế sẽ có một Việt Nam hoàn toàn khác trong tương lai".
Lắp ráp điện thoại tại Công ty Samsung Vina Khu công nghiệp Bắc Ninh.Ảnh: Huy Hoàng
Không thể tiếp tục "quán tính chiều rộng"
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo điều tra mới đây của VCCI, 30% DN trong nước quyết định tiếp tục mở rộng SXKD những năm tới. "Những DN này một khi quyết định mở rộng sản xuất trong bối cảnh khó khăn là họ đã xác định sẽ không đi theo "quán tính chiều rộng" như xưa, mà sẽ đề cao chiều sâu, tính chất lượng và hiệu quả bền vững" - ông Lộc khẳng định.
Bên cạnh đó, dấu hiệu đáng mừng khác là mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng một số DN năm nay vẫn có mức tăng trưởng tới 50 - 60%, trong đó đa số là DN nhỏ và vừa. Có như vậy là bởi những DN này đã tìm được cơ hội từ khủng hoảng, có hệ thống quản trị tốt, biết gắn SXKD với chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, có nhiều địa phương trong nước có những cách làm tốt trong điều hành kinh tế. Ông Lộc cho rằng, đây chính là những điểm sáng của nền kinh tế, nhân tố rất tốt để Việt Nam nhân rộng nhằm nâng cao NLCT. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá, có rất nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có thể lấy làm lợi thế cạnh tranh, nhưng quan trọng là cần được nhân rộng. Chẳng hạn, Việt Nam có thể vươn lên cường quốc du lịch, lĩnh vực này sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn và kéo theo nhiều đầu tư nước ngoài.
Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), tay nghề lao động thấp và yếu về cơ sở hạ tầng là hai nút thắt lớn nhất cần được gỡ ngay. Bên cạnh đó, trong ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp (CN) và dịch vụ, CN luôn có vai trò "dẫn dắt" trong tăng trưởng năng suất. Chính vì thế, cần lựa chọn một số ngành CN tiên phong để bứt phá chứ không thể "dàn hàng ngang" như hiện nay, từ đó tạo lan tỏa cho các ngành CN khác. Để tăng năng suất lao động, cần xác định DN là nhân tố cốt lõi để nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, giúp DN có nhiều cơ hội lựa chọn được chiến lược kinh doanh dài hạn. Đặc biệt, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực CN hỗ trợ là một điểm nhấn giúp DN Việt Nam thoát khỏi nguy cơ trở thành nền CN với thế mạnh là gia công và lắp ráp.